Câu chuyện tinh giản biên chế thời gian qua vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, dù đã được “mổ xẻ” nhiều, giải pháp đưa ra không phải là ít.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2020, cả nước đã tinh giản biên chế được gần 24.000 người. Tính cả giai đoạn 2016-2020, trong tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đã giảm hơn 27.000 biên chế công chức, gần 243.000 biên chế viên chức.
Nổi bật trong công tác tổ chức sắp xếp bộ máy hành chính các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương là việc hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, sắp xếp thôn, tổ dân phố. Về tinh giản biên chế, các cơ quan đơn vị đã giảm trên 27.500 biên chế công chức. Ngoài ra, công chức từ cấp huyện trở lên giảm 40.000 người, giảm gần 148.000 cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố.
Thời gian qua, việc tinh giản biên chế đã và đang được thực hiện ở khắp nơi. Các bộ ngành địa phương đã thực hiện khá quyết liệt việc tinh giản biên chế, nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, tinh giản biên chế chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Tổng biên chế cả nước không những không giảm mà ở nhiều nơi còn còn có chiều hướng tăng.
Thực tế, chúng ta tinh giản nhưng chỗ này, chỗ kia lại phình ra. Vẫn tồn tại những người năng lực, trình độ yếu kém trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức. Đó là bệnh “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vẫn tồn tại ở hầu khắp cơ quan, đơn vị. Chỉ có điều, số lượng cán bộ công chức ấy nhiều hay ít mà thôi. Chây ỳ, lười biếng và không có ý thức vẫn tồn tại đâu đó trong đội ngũ cán bộ công chức.
Tức là, để thực hiện được tinh giản biên chế không phải là dễ, mà như lời ông Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia nói rằng “tinh giản biên chế có trăm mối của sự khó làm bởi động chạm đến con người và lợi ích; động đến anh đến tôi; là vướng trên vướng dưới”. Đó cũng là lý do vì sao giải pháp, nhiệm vụ tinh giản bao năm qua đã được đặt ra nhưng vẫn chưa chạm được tới đích.
Tương tự, TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ nói: “Nói chung đánh giá chưa chuẩn. Đánh giá cán bộ công chức viên chức, kết quả làm việc là gì thì dựa vào kết quả đó để đánh giá, trên cơ sở đó mới ra các tiêu chí. Các đơn vị khó tìm ra đối tượng không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản là do đánh giá cán bộ công chức vào dịp cuối năm có đến 99% cán bộ công chức hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Thậm chí, khi lý giải nguyên nhân tinh giản biên chế không đạt hiệu quả như mong muốn, PGS.TS Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính quốc gia còn thẳng thắn đánh giá: “Lãnh đạo một cơ quan nhà nước ở một thành phố lớn, từng tuyên bố, khoảng 40% người không làm được và không thể giảm biên chế được vì toàn “con cháu” cả”.
Có thể nói, câu chuyện tinh giản biên chế thời gian qua vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, dù đã được “mổ xẻ” nhiều, giải pháp đưa ra không phải là ít, nhưng vẫn chưa chạm được tới đích. Quả là đáng lo lắng khi mà nguồn ngân sách nhà nước ngày càng eo hẹp, từng đồng thuế đóng góp từ mồ hôi nước mắt của dân đang phải cõng những suất biên chế dư thừa.
Nên nhớ rằng, quyết không chấp nhận tăng biên chế, phình bộ máy - điều này không chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị, mà phải biến thành hành động, hành động quyết liệt nếu không biên chế không những không giảm mà có thể còn tiếp tục phình to.
Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang quyết tâm nỗ lực xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi công chức phải làm mới bản thân mình theo hướng nâng cao trình độ kỹ năng và trên hết mỗi vị trí phải làm việc hiệu quả tối đa.
Một Chính phủ kiến tạo, phục vụ không thể có người dư thừa!
Có thể bạn quan tâm
01:03, 15/07/2020
00:20, 11/12/2018
07:30, 23/11/2018
06:38, 15/11/2018
19:19, 04/09/2018
15:52, 25/05/2018
09:43, 12/05/2018
04:10, 03/07/2021
06:00, 08/05/2021
06:30, 06/05/2021
11:00, 05/05/2021