Một năm buồn của các doanh nghiệp ngành bia

ĐÌNH ĐẠI 19/02/2024 11:00

Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100, khiến doanh thu sụt giảm và làm hao mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bia.

>>>SAB và triển vọng chưa chắc chắn của ngành bia

Ngành bia, rượu đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Ngành bia, rượu đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Theo đó, Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.520 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp tiếp tục cải thiện từ 28% lên 29%, nhờ giá vốn hạ nhiệt.

Tuy nhiên, các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận như chi phí quản lý tăng 7% lên 214 tỷ đồng; phần lãi trong công ty liên doanh liên kết giảm 50% xuống còn 33 tỷ đồng, mặc dù bù đắp một phần bởi doanh thu tài chính cao hơn 347 tỷ đồng, nhưng lãi ròng của SAB cũng giảm 9% so với cùng kỳ, xuống còn 947 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của “ông lớn” ngành bia Việt Nam trong 2 năm qua.

Thực tế cho thấy, SAB đã kéo dài chuỗi 5 quý liên tiếp “lãi trên nghìn tỷ" kể từ quý IV/2021, nhưng đã chính thức đứt chuỗi vào quý đầu năm 2023 và lặp lại tình trạng này trong quý cuối cùng của năm 2023.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của SAB đạt 30.461 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, bia vẫn là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp này và chiếm 88% doanh thu và đến 98% lãi gộp; biên lãi gộp của mảng bia được cải thiện qua các năm, từ mức 27% năm 2018 lên 34% năm 2023.

Trong khi đó, mảng bao bì vật tư tuy chiếm 11% doanh thu, nhưng biên lãi gộp mảng này là số âm. Nước giải khát dù có biên lãi gộp ở mức 23%, nhưng doanh thu mảng này chỉ đóng góp tỷ trọng rất nhỏ, chưa đến 0,5% tổng doanh thu.

Sau cùng, lãi ròng năm 2023 của “ông lớn” ngành bia này đạt 4.118 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2022. Với kết quả này, doanh nghiệp chỉ mới thực hiện được 76% chỉ tiêu về doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận năm 2023.

Giải trình về nguyên nhân kết quả kinh doanh sụt giảm, lãnh đạo SAB cho biết, do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng, kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 khiến doanh thu giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tương tự, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây (UpCOM: WSB) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý IV/2023. Cụ thể, trong kỳ này WSB ghi nhận doanh thu đạt hơn 208 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 2,3% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt hơn 13 tỷ đồng, giảm hơn 13% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của WSB tăng 37%, lên gần 7 tỷ đồng, trong khi chi phí cho hoạt động này không ghi nhận. Phần lãi lỗ trong công ty liên doanh, liên kết cũng tăng hơn 147% so với cùng kỳ, lên hơn 151 triệu đồng. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn sụt giảm hơn 21,4% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 11 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, WSB ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 853 tỷ đồng, tăng gần 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 80 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2022.

Doanh thu và lợi nhuận của ngành bia sụt giảm mạnh.

Doanh thu và lợi nhuận của ngành bia sụt giảm mạnh.

Không được may mắn như SAB và WSB, Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Dương (HNX: HAD) ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý cuối cùng của năm 2023. Cụ thể, trong quý IV/2023, HAD ghi nhận doanh thu đạt 27 tỷ đồng, tăng gần 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 100 triệu đồng.

Giải trình kết quả kinh doanh thua lỗ trên, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, công ty chuyển từ lãi ở báo cáo cùng kì năm trước sang lỗ ở kỳ này do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi việc tiêu thụ giảm do thời tiết không thuận lợi.

Ngoài ra, do tác động của hàng loạt các biện pháp nằm trong chính sách phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia theo Nghị định 100 cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.

Lũy kế cả năm 2023, HAD mang về 167 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với năm 2022 và 6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 40%. Với kết quả này, doanh nghiệp cũng đã hoàn thành cả về doanh thu lẫn lợi nhuận đã đề ra cho năm 2023.

Một doanh nghiệp khác trong ngành Rượu - Bia và NGK là Công ty CP Rượu và Nước giải khát Hà Nội – Halico (UpCOM: HNR), chủ thương hiệu Vodka Hà Nội cũng miệt mài báo lỗ hàng chục quý. Theo đó, trong quý IV/2023, doanh thu thuần của HNR ghi nhận đạt hơn 32 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Điểm tích cực là giá vốn giảm nên lợi nhuận gộp cải thiện, đạt 10 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn khó thoát lỗ khi chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng vẫn tăng mạnh, với khoản lỗ hơn 4 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2023, doanh thu của HNR đạt 100 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với 2022, lỗ ròng gần 10 tỷ đồng. Dù đã giảm phần nào so với số lỗ 13 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ, đưa lỗ lũy kế lên hơn 457 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh kém sắc của các doanh nghiệp ngành bia, rượu trong năm 2023 được hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, ngoài sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp trong ngành, nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng tiêu thụ sụt giảm do việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100, khiến doanh thu sụt giảm và làm hao mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành bia sau thời gian dài chịu tác động của các biện pháp giẫn cách xã hội, đã phải chịu thêm tác động từ Nghị định 100 với chế tài rất năng, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Sắp tới, nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó, có nội dung thay đổi phương pháp tính và điều chỉnh thuế suất với rượu và bia, được triển khai, tình hình của các doanh nghiệp trong ngành sẽ càng khó khăn hơn.

Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Funan cho rằng, rủi ro quan trọng của ngành bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu. Đặc biệt, chi tiêu cho rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế, mà còn là xu hướng tất yếu tương lai khi các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần chi tiêu cộng thêm chính sách pháp luật hạn chế người dân tiêu thụ đồ uống có cồn.

Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, nhiều dự báo cũng cho thấy danh mục sản phẩm đồ uống không có cồn sẽ tăng 25% trong khoảng 2022 - 2026 khi các hãng rượu bia buộc phải chuyển hướng kinh doanh.

Tập đoàn bán bia lớn nhất thế giới là Anheuser Busch InBev thậm chí dự báo mảng kinh doanh bia không có cồn sẽ chiếm đến 1/5 tổng doanh số vào năm 2025. Sau khi tổng giá trị thị trường của ngành đồ uống không cồn vượt 11 tỷ USD vào năm 2022, ngày càng nhiều hãng bán bia rượu như Anheuser quyết định chuyển hướng kinh doanh cho phù hợp với thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • SAB và triển vọng chưa chắc chắn của ngành bia

    SAB và triển vọng chưa chắc chắn của ngành bia

    05:12, 03/02/2024

  • Doanh nghiệp ngành bia “hụt hơi”

    Doanh nghiệp ngành bia “hụt hơi”

    04:04, 16/07/2023

  • Ngành bia, rượu, nước giải khát: Tìm hướng đi dài hạn

    Ngành bia, rượu, nước giải khát: Tìm hướng đi dài hạn

    06:00, 20/11/2020

  • Cổ phiếu ngành bia giảm mạnh vì dịch cúm corona

    Cổ phiếu ngành bia giảm mạnh vì dịch cúm corona

    04:00, 07/02/2020

  • Cổ phiếu hai “ông lớn” ngành bia sẽ ra sao trong năm 2020?

    Cổ phiếu hai “ông lớn” ngành bia sẽ ra sao trong năm 2020?

    12:26, 23/01/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một năm buồn của các doanh nghiệp ngành bia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO