Bộ GTVT đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Báo cáo và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải…
Theo đó Dự thảo này nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải (GTVT). Tuy nhiên, một số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, Dự thảo có nhiều đề xuất không có ý nghĩa, nhiều thủ tục cấp phép không cần thiết và trùng lặp song vẫn được giữ lại.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các đề xuất nêu trong phương án nêu trên là hợp lý, cắt giảm nhiều chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Cơ quan soạn thảo cần xem xét lại tính hiệu quả thực sự của một số đề xuất. Cụ thể, VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo nên xóa bỏ hoàn toàn quy định doanh nghiệp phải có đủ xe tập lái các hạng tương ứng với lực lượng đào tạo ghi trong Giấy phép đào tạo lái xe (Nghị định 65/2016/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, VCCI cũng tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT cắt bỏ thủ tục Đăng ký khai thác tuyến. Bởi vì quy định này gây ảnh hưởng đáng kể đến thị trường cạnh tranh và tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Hoạt động khai thác tuyến vận tải hành khách cố định nên được thiết kế là giao dịch giữa đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe khách, thay vì phải thực hiện thủ tục đăng ký khai thác tuyến với cơ quan quản lý nhà nước.
Một số thủ tục hiện có yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bản sao giấy đăng ký doanh nghiệp như thủ tục cấp giấy phép kinh doanh cảng hàng không, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển... Thực tế, theo nhiều doanh nghiệp, các thông tin đăng ký doanh nghiệp đã được các cơ quan nhà nước chia sẻ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, nên Cơ quan soạn thảo không nhất thiết yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp như: Bản sao Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập/GCN đăng ký DN/GCN đăng ký đầu tư hoặc tài liệu tương đương khác của cơ sở đào tạo...
Ngoài ra, VCCI còn xin lùi thời hạn thi hành quy định bắt buộc phải lắp camera trên xe vận tải hành khách bằng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở lên, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo (Nghị định 10/2010/NĐ-CP), chuyển từ ngày 1/7/2021 sang 1/7/2022.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc yêu cầu lắp camera sẽ làm tăng thêm chi phí, gây lãng phí lớn về tài sản cho doanh nghiệp. Theo Bộ GTVT, chi phí cho việc lắp camera khoảng 5 - 10 triệu đồng/xe khách và 5 triệu đồng/xe tải; chi phí truyền dẫn dữ liệu khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/năm. Đây là chi phí quá lớn với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách cắt giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid 19. Những doanh nghiệp đã lắp camera để phục vụ cho hoạt động quản lý của mình có nguy cơ phải lắp camera mới thì mới đảm bảo khả năng truyền dẫn dữ liệu. Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do hiện chưa có tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật hoặc hướng dẫn nào về việc lắp đặt camera.
Mặt khác, quy định này còn trùng lặp về mục tiêu quản lý nhà nước. Hiện tại theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, doanh nghiệp vừa phải lắp camera, vừa phải lắp thiết bị giám sát hành trình, trong khi nhiều thông tin từ hai thiết bị này gần như trùng khớp nhau. Trong khi đó, doanh nghiệp, bến xe còn phải thực hiện một số nghĩa vụ để kiểm soát việc lái xe an toàn của lái xe.
Bình luận về cách xây dựng Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải của Bộ GTVT, một chuyên gia nghiên cứu độc lập cho rằng, ý tưởng là tốt nhưng cách thức triển khai chưa thực sự phù hợp và khoa học. Cơ quan soạn thảo đang đi vào những nội dung quá vụn vặt, chi tiết và đề xuất sửa đổi, bổ sung, lồng ghép, tách nhập các quy định trong phương án trên không mang lại nhiều ý nghĩa cho doanh nghiệp, chưa đủ sức thuyết phục.
Để đưa ra được những đề xuất có hiệu quả và ý nghĩa hơn, vị chuyên gia này khuyến nghị cơ quan soạn thảo nên đi vào từng nhóm vấn đề cụ thể đang có sự mâu thuẫn, chồng chéo nằm trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau để phân tích, mổ xẻ và tìm ra đâu là quy định gây khó khăn cho cơ quan nhà nước, vướng mắc cho doanh nghiệp để giải quyết. Và nên để cho các đơn vị độc lập rà soát, tính toán chi phí tuân thủ thì sẽ mang tính khách quan, đầy đủ hơn.
Có thể bạn quan tâm
Lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề: Thêm thủ tục hành chính không cần thiết
05:10, 04/10/2020
Kinh doanh vận tải, có cần “gánh” nhiều tầng quản lý?
04:50, 30/09/2020
Doanh nghiệp nước ngoài có tỷ lệ góp vốn bao nhiêu được kinh doanh vận tải ở Việt Nam?
04:30, 22/06/2020
Hải Phòng: Xem xét tiêm vaccine cho lái xe kinh doanh vận tải
11:02, 03/06/2021