Hội nghị Mỹ - Triều kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký kết nhưng thật ra những người tham gia trực tiếp ở tiến trình này như ông Trump và ông Kim lại là những người được nhiều nhất.
Thứ nhất, với vai trò là nước chủ nhà, Hà Nội đã làm vượt sự kỳ vọng của các bên từ công tác chuẩn bị lễ tân, hậu cần, an ninh cũng như sự thân thiện và hiếu khách của người dân.
Trong mấy ngày qua, Hà Nội đã là tâm điểm của truyền thông quốc tế với những khía cạnh tích cực nhất. Rất nhiều nước giàu có hơn, sẵn sàng mở hầu bao nhiều hơn chỉ để mong được tổ chức sự kiện này, nhưng cũng không thể làm được vì thiếu sự nhất trí của cả Mỹ và Triều Tiên. Ngay từ khi đặt chân đến Hà Nội cho tới khi mở đầu cuộc họp báo, TT Trump đều dành những lời "có cánh" dành cho nước chủ nhà. Và từ đây Hà Nội có thể được cân nhắc để lưa chọn tổ chức các Hội nghị quốc tế lớn trong tương lai, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực hòa bình và hòa giải.
Thứ hai, nghe kỹ phần họp báo lúc 2h chiều ngày 28/2/2019 của TT Trump, rõ ràng Mỹ và Triều Tiên đã đạt được cái cần đạt: Trump được CT Kim đảm bảo sẽ không có các vụ thử hạt nhân và tên lửa nữa trong tương lai khi hai bên tiến hành đàm phán. "Đổi lại" TT Trump cam kết sẽ không thắt chặt thêm cấm vận.
Điều này có nghĩa TT Trump tạm thời "đóng gói", không phải lo đối phó với câu chuyện Triều Tiên ít nhất trong 2 năm tới cho đến hết nhiệm kỳ của mình, trong khi lại chẳng "mất gì". Việc hứa không cấm vận thêm cũng chả phải quà hay nhượng bộ vì thực tế các lệnh cấm vận liên tục của Liên Hiệp Quốc trong hai chục năm qua đã quá hà khắc và cũng chẳng thắt chặt thêm được bao nhiêu.
Có thể bạn quan tâm
05:48, 02/03/2019
15:03, 01/03/2019
10:50, 01/03/2019
15:35, 28/02/2019
Thứ ba, Mỹ và Triều Tiên dừng để tiếp tục đàm phán trong bầu không khí khá thân thiện, tôn trọng nhau, chứ không phải là đàm phán đổ vỡ và hai bên quay trở lại vạch xuất phát.
Điều này cho thấy bản thân câu chuyện đàm phán phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên là hết sức khó khăn.
Hơn hai chục năm qua, qua bốn đời tổng thống các cuộc đàm phán hoàn toàn bế tắc. Do đó sẽ hết sức phi thực tế nếu đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự đột phá, vì thực tế hai bên mới chỉ đàm phán cấp cao trực tiếp có tám tháng, tính từ thời điểm cuộc gặp Thượng đỉnh lần 1 tại Singapore 6/2018.
Thứ tư, thực ra, khi không đạt được thỏa thuận nào lại chính là lúc hai bên đạt được nhiều nhất. Còn nhớ khi tại Singapore khi hai bên đạt được thỏa thuận, thì cũng là lúc cả TT Trump lẫn CT Kim đều chịu sức ép và phê phán ghê gớm trong nước vì "nhượng bộ" đối phương quá nhiều.
Khi dừng đàm phán, Trump muốn gửi thông điệp đến những người hoài nghi trong đảng Cộng hòa, những người chỉ trích trong giới truyền thông, cũng như lãnh đạo đảng dân chủ đối lập tại cả 2 viện của Quốc hội vốn chỉ trích tổng thống hết sức quyết liệt trong mấy tháng qua liên quan đến đề cử Thẩm phán Tòa án Liên bang Tối cao Brett Kavanagh, việc "đóng cửa" một phần chính phủ, rồi Sắc lệnh khẩn cấp của Chính phủ chi tiền xây dựng hàng rào biên giới phía Nam, đó là: TT Trump là người ra quyết định nhanh, nhưng tính toán kỹ lưỡng, chuẩn mực, không vội vàng, hấp tấp như mô tả của giới truyền thông hay phe đối lập.
Điều này sẽ giúp TT Trump có thêm sự ủng hộ tiếp tục, sự tin tưởng của lãnh đạo đảng, các nghị sĩ Cộng hòa cũng như cử tri để chuẩn bị cho các cuộc đấu sắp tới với Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát, đồng thời hướng tới mục tiêu xa hơn là tái cử năm 2020.
Thứ năm, phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là mục tiêu quan trọng, nhưng TT Trump chưa vội vàng, mà cái đích nhắm tới là TQ, là kết quả đàm phán thương mại cấp cao giữa TT Trump và Chủ tịch Tập.
Trước đây các TT Mỹ muốn tìm cách xử lý câu chuyện thương mại và các mâu thuẫn khác với Trung Quốc, nhưng gần như không thể được. Mỗi khi Mỹ chuẩn bị "cứng rắn" với Trung Quốc thì tình hình trên Bán đảo Triều Tiên bỗng "đột ngột căng thẳng" và Mỹ buộc phải "cầu cạnh" Trung Quốc giúp hòa giải để làm dịu tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, cách tiếp cận Triều Tiên của TT Trump thì khác hẳn. Trước khi áp thuế với Trung Quốc vào 6/2018 thì TT Trump đi vào hòa dịu với Triều Tiên trước. Khác với các lần trước, trong suốt quá trình căng thẳng quan hệ với Trung Quốc lần này, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên lại hết sức ổn định.
Đây là điều TT Trump rất cần khi đi vào cuộc đàm phán quyết định trong vòng một tháng tới với Trung Quốc, mà đỉnh cao là cuộc gặp cấp cao giữa TT Trump và ông Tập Cận Bình tại Florida cuối 3/2019, trong đó Trung Quốc buộc phải tính toán có hay không trong việc nhân nhượng các vấn đề cốt lõi:
Một, TT Trump và ê kíp sẽ không chịu sức ép vì bị chỉ trích ở trong nước về thỏa thuận (nếu đạt được) với Triều Tiên, và giờ đây họ có thể tập trung và dồn toàn bộ nỗ lực vào đàm phán với Trung Quốc.
Hai, thông điệp với Trung Quốc là nếu Trung Quốc không nhân nhượng đủ lớn, đủ hấp dẫn thì sẽ không có bất kì thỏa thuận nào. Đây sẽ là đòn tâm lý và sức ép rất lớn lên phía Trung Quốc, đó là Trung Quốc sẽ chịu rủi ro rất cao khi không có thỏa thuận.
Ba là, TT Trump cũng chuẩn bị trước cho dư luận Mỹ và thế giới là tuy hy vọng, tuy có những tín hiệu tích cực nhưng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng, cũng như gánh nặng buộc phải thành công cho TT Trump và ê kíp của mình. Mỹ đã sẵn sàng cho kịch bản không có thỏa thuận với Trung Quốc.
Thứ sáu, trong trường hợp đạt được thỏa thuận với Trung Quốc thì TT Trump sẽ "đủng đỉnh" vì có sức mạnh mới để tiếp tục ép CT Kim có những nhượng bộ lớn hơn.
Trường hợp, không có thỏa thuận với Trung Quốc lẫn Triều Tiên thì TT Trump vẫn ung dung bước vào cuộc chiến tái tranh cử 2020.
Cuối cùng, khi dời Hà Nội về nước TT Trump vẫn tiếp tục để lại dấu ấn riêng, không thay đổi sau 2 năm làm Tổng thống, đó là:
Tổng thống là người làm chủ cuộc chơi, quyết định chơi với ai, chơi như thế nào và khi nào thì dừng.
Tổng thống là người khó đoán định, khó hiểu về các quyết định chiến lược, các bước đi của mình và bí ẩn đến phút chót ngay cả với các trợ lý hàng đầu của mình.
Khi tất cả đều nghĩ đến thỏa thuận thì cũng là lúc họ ngã ngửa vì chẳng có thoả thuận nào cả!