Rất nhiều doanh nghiệp, trải dài từ Indonesia đến Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi đồng nội tệ suy yếu.
Thông thường, vàng được coi là “hầm trú ẩn” an toàn khi thị trường có những biến động bất thường. Gần đây, người dân Indonesia đang đua nhau tích trữ vàng trong bối cảnh đồng nội tệ Rupiah của quốc gia này đang lao dốc so với đồng USD với mức sụt giảm lên đến 9%.
Theo Nikkei Asian Review, hiện tượng này chứng tỏ tâm lý lo lắng của người dân khi đồng nội tệ giảm giá sâu. Và điều đáng chú ý hơn, câu chuyện này không chỉ xảy ra tại Indonesia, mà ở nhiều nền kinh tế châu Á khác.
Có thể bạn quan tâm
11:12, 19/12/2016
06:30, 27/07/2018
Ông Arie Prabowo Ariotedjo - Chủ tịch Tập đoàn Aneka Tambang chuyên kinh doanh vàng, nhận xét: “Đồng Rupiad đang mất giá khá nhiều, người dân đang chuyển hướng sang tích lũy vàng”.
Aneka Tambang đã bán đến 13,7 tấn vàng, vượt đến 317% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Tổng số vàng mà tập đoàn này bán ra đạt 8,2 nghìn tỷ Rupiah, tương đương 553,8 triệu USD trong nửa đầu năm 2018.
Nếu nhìn rộng ra khắp khu vực châu Á, rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi đồng nội tệ yếu đi bởi chính sách nâng lãi suất của FED, cũng như cuộc khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Ấn Độ, nơi đồng Rupee chạm mức 70 Rupee/USD lần đầu tiên tính từ tháng 8/2018, các hãng hàng không đang gặp khó bởi cả hai cú sốc: cú sốc đồng tiền sụt giảm và giá nhiên liệu cao. Hãng hàng không tư nhân lớn nhất Ấn Độ, IndiGo, công bố lợi nhuận ròng giảm 97% so với cùng kỳ. Hãng hàng không giá rẻ SpiceJet cũng gặp khó tương tự.
Tại nhiều nước mới nổi khác ở châu Á, nhiều người dân đang chật vật với các khoản chi phí sinh hoạt. Chị Anna Berdin – một y tá người Philippines đang làm việc tại Ấn Độ, thường xuyên gửi kiều hối về nước, cho biết: “Khi đồng Peso hạ giá, giá cả sinh hoạt tăng chóng mặt. Nhiều người Philippines làm việc lâu hơn tôi cũng cảm thấy rõ ràng sự thay đổi”.
Từ đầu năm 2018 đến nay, đồng Peso của Philippines đã giảm giá hơn 7% so với đồng USD. Đồng Peso đã có lúc chạm mức 53,7 Peso/USD - mức thấp nhất trong 12 năm. Lạm phát tháng 7/2018 của Philippines chạm mức 5,7% - mức cao nhất trong 5 năm.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Bank of the Philippine Islands, ông Emilio Neri, chỉ ra: “Dường như lạm phát đang ăn mòn đi tất cả những tăng trưởng của dòng kiều hối vào Philippines. Hy vọng lạm phát sẽ chững lại trong năm 2019”.
Kiều hối đóng góp khoảng 1/10 tổng sản lượng kinh tế của Philippines, lạm phát tăng cao tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nước này. Trong quý 2/2018, kinh tế Philippines tăng trưởng được 6%, đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm. Tiêu dùng người dân đã giảm 2 quý liên tiếp.
Tuy nhiên, cô y tá Berdin người Philippines nói đến ở trên hãy lấy làm vui vì ít nhất cô đang không sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi sự sụt giảm của đồng tiền và lạm phát tăng cao đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu phần lớn thực phẩm và thiết bị.
Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ đã dao động ở ngưỡng khoảng 10% suốt từ tháng 4/2018. Đến tháng 7/2018, lạm phát tăng lên mức 15,85% khi đồng lira hạ giá sâu. Khi mà đồng lira tiếp tục hạ giá mạnh hơn nữa, lạm phát tháng 8/2018 nhiều khả năng đã chạm mức 20%.