Nghiên cứu - Trao đổi

Mua bán thuốc online: Tránh việc “không quản được thì cấm”

Khôi Nguyên 17/11/2024 12:30

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những quy định cụ thể để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với thuốc chữa bệnh, cần tránh việc “không quản được thì cấm”…

Theo đó, một trong những điểm mới của Luật Dược (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 là quy định về mua bán thuốc online. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay việc mua bán thuốc trực tuyến đã và đang diễn ra phổ biến, vấn đề đặt ra là cần có biện pháp hữu hiệu để đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mua thuốc kê đơn qua mạng mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi các hiệu thuốc không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc. Bên cạnh đó, việc mua thuốc online có thể giúp người dân tiết kiệm chi phí. Các cửa hàng thuốc trực tuyến thường có giá cả cạnh tranh hơn do giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng, nhân viên và các chỉ phí phụ trợ khác.

mua-ban-thuoc-online-tranh-viec-khong-quan-duoc-thi-cam-1.jpeg
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng nên có những quy định cụ thể để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với thuốc chữa bệnh, chứ không theo kiểu “không quản được thì cấm”. Ảnh minh hoạ

Trong các phiên thảo luận tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng nên có những quy định cụ thể để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với thuốc chữa bệnh, chứ không theo kiểu “không quản được thì cấm”. Nếu việc bán thuốc kê đơn qua mạng được quản lý chặt chẽ, có thể giúp người tiêu dùng tiếp cận các loại thuốc chất lượng từ các nguồn đáng tin cậy.

Người dùng cũng có thể dễ dàng tra cứu thông tin về thuốc và các đánh giá của người dùng khác trước khi quyết định mua. Tuy vậy, cần phân biệt rõ ràng giữa việc bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động Livestream bán thuốc tự phát của các cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, việc luật hóa để quản lý bán thuốc online là cần thiết, nhằm tránh tình trạng bán “chui”, càng khó kiểm soát.

Trao đổi về nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, kết quả khảo sát ý kiến người dân bằng khảo sát trên các phương tiện truyền thông cho thấy, đa số người dân đều đồng tình với việc mua thuốc online. Đây là xu hướng tất yếu. Việc mua bán thuốc online đã diễn ra rất phổ biến.

“Thuốc là mặt hàng đặc biệt, vì vậy quản lý chất lượng và quản lý việc mua bán để đảm bảo an toàn cho người sử dụng là hết sức quan trọng. Việc đưa nội dung mua bán online vào Luật Dược sửa đổi sẽ giải quyết được nhiều vấn đề thực tế hiện nay”, bà Hà nói.

Cũng theo bà Trần Thị Nhị Hà, Bộ Y tế đã ban hành danh mục thuốc kê đơn và không kê đơn; trong đó có tới hơn 80% là thuốc phải kê đơn. Số lượng các thuốc kê đơn rất lớn, nên nếu không quy định chặt chẽ sẽ có nhiều khó khăn khi người dân mong muốn mua được thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử.

“Dự thảo Luật sửa đổi lần này của Luật Dược đã quy định việc bán lẻ trên sàn thương mại điện tử chỉ có thuốc không kê đơn, còn thuốc bán buôn mới được áp dụng với cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, nguyên liệu làm thuốc. Như vậy, trên sàn thương mại điện tử sẽ có hai hình thức kinh doanh thuốc bán lẻ và bán buôn. Thuốc được bán lẻ là thuốc bán trực tiếp cho người tiêu dùng; thuốc bán buôn là thuốc được bán cho cơ sở kinh doanh hợp pháp để kinh doanh dược phẩm”- bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm.

Đồng quan điểm, ông Vũ Thái Hà, giám đốc vận hành eDoctor, thành viên nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về ứng dụng khám chữa bệnh từ xa cũng khẳng định, mua bán online đã phát triển mạnh và chúng ta cũng không đảo ngược được xu thế.

"Thị trường cũng cần có nhiều cách cung cấp dịch vụ khác nhau. Nếu không sẵn sàng tạo ra một hành lang pháp lý rất có thể sẽ xảy ra những vướng mắc", ông Vũ Thái Hà nói.

Cũng theo một số chuyên gia, hiện Mỹ, Canada, Anh và nhiều nước châu Âu, Trung Quốc... đã cho phép mua bán thuốc online. Các nước này cũng yêu cầu hậu kiểm để kiểm soát chặt chẽ do thuốc là mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe nên cần thận trọng.

Các chuyên gia cũng lưu ý bên cạnh quản lý mua bán thuốc trong nước, cần đặt ra quy định để quản lý trong trường hợp các nền tảng thương mại trực tuyến xuyên biên giới có thể tham gia thị trường thuốc ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mua bán thuốc online: Tránh việc “không quản được thì cấm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO