Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: Có nên áp dụng với mọi đối tượng?

Vân Du tổng hợp 01/04/2018 11:47

Chỉ đến khi nhiều vụ cháy lớn xảy ra liên tiếp, người ta mới phát hiện ra rằng việc tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc rất cần thiết bởi nó sẽ giảm thiểu phần nào thiệt hại mà cá nhân, tổ chức phải gánh chịu.

Từ 15/4, cơ quan, tổ chức và cá nhân (gồm trường học, chung cư, rạp chiếu phim...) phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Trước giờ G, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc có nên áp dụng mua bảo hiểm cháy, nổ với mọi đối tượng hay chỉ khoanh vùng một số đối tượng như trong Nghị định số 23/2018/NĐ-CP.

Hiện trường vụ cháy chợ ở Hà Nội chiều ngày 31/3.

Tham gia bảo hiểm để hạn chế rủi ro

Có thể bạn quan tâm

  • Phòng cháy bắt đầu từ kiến trúc tòa chung cư

    Phòng cháy bắt đầu từ kiến trúc tòa chung cư

    10:45, 01/04/2018

  • Hà Nội thông tin chính thức về vụ cháy chợ Quang

    05:00, 01/04/2018

  • Cháy chợ ở Thanh Liệt (Hà Nội): Xót xa nước mắt tiểu thương trắng tay

    16:10, 31/03/2018

  • Cần Thơ: Năng lực chữa cháy chỉ đến tầng 15

    15:59, 29/03/2018

  • Có bao nhiêu vụ cháy xảy ra trong tuần vừa qua?

    05:34, 26/03/2018

Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nêu rõ: Bên mua bảo hiểm cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP (bên mua bảo hiểm); doanh nghiệp bảo hiểm; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Nghị định quy định rõ: Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định. Theo quy định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm). Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Theo Nghị định, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại Nghị định. Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

Nghị định cũng nêu cụ thể mức khấu trừ bảo hiểm. Mức khấu trừ bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm phải tự chịu trong mỗi sự kiện bảo hiểm.

Có nên áp dụng với mọi đối tượng, tài sản?

Chia sẻ bên lề một hội nghị được tổ chức mới đây, ông Phùng Đắc Lộc - nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho rằng nên bỏ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Theo ông Lộc, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam đang dần tiềm cận với quốc tế, nên bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm cháy nổ đối với mọi tài sản, mà chỉ nên bắt buộc đối với các tài sản của nhà nước.

“Bắt buộc mua bảo hiểm đối với các tài sản của nhà nước là để không phải dùng ngân sách nhà nước để khôi phục, bù đắp khi rủi ro xảy ra”, ông Lộc nói và cho rằng tài sản của cá nhân thì người đó phải tự chịu trách nhiệm. Tương tự, tài sản của doanh nghiệp được gắn liền với trách nhiệm của người được giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản đó. Việc mua hay không là tự nguyện, không ép buộc.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, vì cháy nổ tài sản có nguy cơ gây thiệt hại sức khoẻ, tính mạng, cũng như tài sản của người khác, nên việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) là rất cần thiết.

Ông Trương Minh Cát Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA cho hay, nên bắt buộc mua bảo hiểm TNDS đối với các hoạt động kinh doanh, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề thông dụng như kinh doanh nhà hàng, karaoke, nhà thầu xây dựng...

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Nam Hải - Tổng Giám đốc PJICO cho biết, ở nước ngoài, bảo hiểm cháy nổ được áp dụng cho mọi đối tượng, xuất phát từ lý do rủi ro cháy nổ có thể xảy ra đối với bất kỳ đối tượng nào, tác động không chỉ với một cá nhân, mà còn có thể gây ảnh hưởng tới cả cộng đồng, xã hội.

“Trong bối cảnh ý thức tham gia bảo hiểm của người dân chưa cao, tình trạng cháy nổ diễn biến ngày một phức tạp… khiến các hãng bảo hiểm phải chịu bồi thường lớn. Từ thực tế này, tôi cho rằng, cần tiếp tục bắt buộc mua bảo hiểm cháy nổ đối với mọi đối tượng, thậm chí còn phải bắt buộc mua bảo hiểm đối với loại hình rủi ro thiên tai”, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt nói.

Ở góc độ luật sư, bà Nguyễn Thị Mỹ Viễn - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, mặc dù theo Nghị định này này, các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ như chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ năm tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ một cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy nổ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm đối với cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) theo quy định pháp luật. Cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá một năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: Có nên áp dụng với mọi đối tượng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO