Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Mục tiêu tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo.
- Thưa Bộ trưởng, nhìn lại nhiệm kỳ 2016 -2020, Bộ trưởng tâm đắc nhất điều gì?
Nhiệm kỳ 2016-2020, trong điều kiện đất nước và ngành xây dựng có nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng cũng còn nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng hết sức nặng nề của dịch bệnh Covid 19, trong bối cảnh này, với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là: Kịp thời, nghiêm túc và xây dựng các chương trình hành động sát hợp, khả thi để thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ đã ban hành gần 50 chương trình, kế hoạch hành động và nỗ lực lớn, quyết liệt triển khai đến từng đơn vị với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực. Đồng thời xác định các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm chỉ đạo thực hiện.
Với những kết quả của ngày hôm nay, có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Xây dựng đã xác định đúng, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các vấn đề lớn, then chốt, căn cốt để tạo các chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá của ngành Xây dựng hiện nay và trong thời gian tới.
Ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016-2020, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong kế hoạch. Toàn Ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức khá cao 8,5%-8,7%/năm, cao hơn mục tiêu kế hoạch 5 năm cả nước đặt ra là 8,0-8,5%/năm.
Trong kết quả chung của ngành Xây dựng có một số điểm nổi bật là:
Thứ nhất: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được tập trung chỉ đạo thực hiện và hoàn thành khối lượng công việc lớn với nhiều đổi mới. Đến nay, về cơ bản hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng đã tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ và đồng bộ với các pháp luật liên quan; đủ sức điều chỉnh các hoạt động trong thực tiễn và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ hai: Trong nhiệm kỳ qua, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai một số đề án có tính quyết định đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của toàn xã hội và của từng công trình, dự án đầu tư xây dựng; góp phần phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng; góp phần hoàn thiện thị trường xây dựng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu hướng phát triển và thông lệ quốc tế.
Cụ thể như các Đề án: Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng, Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đổi mới lý luận, phương pháp quy hoạch và phát triển đô thị; Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030...
Thứ ba: Ngành Xây dựng đã nỗ lực góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Lần đầu tiên trong gần 6 năm liền thị trường bất động sản phát triển ổn định, không có hiện tượng phát triển nóng, “bong bóng” hoặc trầm lắng, suy thoái, đóng góp quan trọng vào mục tiêu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Thứ tư: Năng lực ngành Xây dựng nói chung và các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, ứng dụng nhanh và làm chủ nhiều công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Về cơ bản có thể tự thiết kế, thi công các công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp trong các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, năng lượng... đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo thiết kế được duyệt.
- Phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân, chưa đạt được mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ trưởng có thể cho biết nguyên nhân do đâu?
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 5,4 triệu m2. Ngoài ra đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219 nghìn căn hộ. Kết quả đạt được nêu trên rất đáng ghi nhận nhưng còn thấp so với kế hoạch, mới đạt khoảng 42% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).
Hạn chế, tồn tại vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng NOXH. Thủ tục đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán, phê duyệt đối tượng mua nhà còn nhiều điểm bất cập; Nguồn vốn ngân sách bố trí hỗ trợ, lãi suất chưa đáp ứng yêu cầu. Một số địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất để cho phát triển nhà ở xã hội, chưa quan tâm đến việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội, chưa thực hiện quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và Bộ Xây dựng triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Trước hết, đã ban hành quy chuẩn quốc gia quy định diện tích căn hộ tối thiểu khép kín là 45m2. Điều này tạo điều kiện rất thuận lợi cho các nhà đầu tư, bố trí các căn hộ trong các dự án xã hội nói chung, cũng như các dự án xây dựng các nhà ở khác tại đô thị. Chính phủ cũng đã bố trí 4.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho người dân vay, mua nhà ở xã hội. Một số địa phương cũng đã quan tâm, đầu tư hạ tầng, bố trí quỹ đất và thực hiện một số chính sách ưu đãi riêng của địa phương để phát triển nhà ở xã hội.
- Những giải pháp nào được coi là cốt lõi thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới thưa Bộ trưởng?
Trong giai đoạn tới, chúng ta thấy cần phải thực hiện một số giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn. Thứ nhất, cần rà soát bổ sung hoàn chỉnh các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch 1/500 tại các đô thị để tạo điều kiên phê duyệt dự án, cấp phép dự án nhà ở xã hội.
Thứ hai, các địa phương tập trung xây dựng, rà soát điều chỉnh, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ đất cho phát triển nhà ở xã hội; bố trí nguồn lực hợp lý để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án theo quy định, đồng thời quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh... Có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội đảm bảo đồng bộ, thống nhất để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đang đẩy nhanh việc sửa đổi Nghị định 100 để tạo các cơ chế chính sách đột phá hơn, thuận lợi cho doanh nghiệp để tạo các cơ hội thuận hơn cho người dân để mua được NOXH. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để có chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở giá thấp có diện tích nhà ở hơn 70m2 và giá bán phù hợp.