Cho tới thời điểm hiện tại, xuất khẩu gạo được giá đương nhiên là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nếu dự báo được triển vọng của thị trường, đưa ra mức giá phù hợp sẽ vẹn cả đôi đường.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, từ hơn một năm nay, xuất khẩu gạo thực sự là điểm nóng, thậm chí có thời điểm đã có những ý kiến cho rằng, giá gạo của chúng ta đã vượt Thái Lan.
Lại vượt qua “một nửa” người Thái
Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2020, với 6,25 triệu tấn, chúng ta đã thêm một lần giành ngôi vị quốc gia xuất khẩu gạo nhiều thứ hai thế giới từ chính Thái Lan (lần đầu là năm 2012) do xuất khẩu của đối thủ cạnh tranh này giảm mạnh chỉ còn 6 triệu tấn.
Còn về giá, cao hơn của Thái Lan có lẽ là tính theo ngày, có thể là nhiều ngày, nhưng chắc chắn là giá chào và giá này chưa hẳn là giá thực bán, cho nên đây có lẽ là sự ngộ nhận. Bởi lẽ, các nguồn số liệu thống kê khác nhau cho thấy, dù là giá chung (tính theo toàn bộ “rổ gạo xuất khẩu”), hay là tính theo một loại gạo xuất khẩu cụ thể, thì giá của chúng ta vẫn thấp hơn.
Đó là, tính chung cả “rổ gạo xuất khẩu” năm 2020, chúng ta đạt 499 USD/tấn, tuy tăng 13,3% so với cùng kỳ, nhưng chỉ bằng 78% so với của Thái Lan. Tuy nhiên riêng gạo trắng 25% tấm thì đạt 416 USD/tấn, tăng “sốc” 28,8%, cho nên đã vươn lên bằng 86,2%, thậm chí cuối năm đã vươn lên bằng 92,8%.
Từ những thực tế đó, có thể khẳng định rằng, đây là thắng lợi kép của chúng ta, bởi so với chính mình, cho dù lượng gạo xuất khẩu có giảm nhẹ 1,9%, nhưng giá trị tăng mạnh 11,2%; còn so với Thái Lan, chúng ta vượt họ về lượng; còn khoảng cách về giá tuy vẫn còn, nhưng phần nào đã được thu hẹp.
Những thách thức trước mắt
Cho dù vậy, cũng không thể không phủ nhận những thách thức mà chúng ta chắc chắn sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
Thứ nhất, nếu những dự báo về thị trường này là đúng, năm nay sẽ là năm khó khăn, có khả năng cung vượt cầu. Chẳng hạn, dự báo mới nhất của USDA cho thấy, sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ lần đầu tiên vượt qua ngưỡng nửa tỷ tấn, tăng 6,7 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu dùng lại tăng không tương ứng, còn dự trữ gạo thế giới cũng ở mức rất cao.
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới năm nay cũng chỉ đạt gần 44 triệu tấn, chỉ tăng không đáng kể so với năm 2020. Đặc biệt, dự báo nhu cầu của một số khách hàng “ruột” chúng ta như Philippines, Malaysia... lại giảm.
Thứ hai, trong khi giá gạo xuất khẩu của chúng ta liên tục “rượt đuổi” giá gạo của Thái Lan, cho nên bỏ quá xa giá của Ấn độ, do đó đã xuất hiện những dấu hiệu cần điều chỉnh giảm.
Trên bình diện tổng thể, các số liệu thống kê năm 2020 cho thấy, trong khi lượng gạo xuất khẩu của chúng ta đã giảm và đặc biệt là của Thái Lan giảm mạnh, thì gạo của Ấn độ đã tăng phi mã 45,8% và đạt kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” 14,3 triệu tấn. Bí mật ở đây chính là nước này đã giảm giá gạo trắng xuống chỉ còn 368 USD/tấn, còn lượng thì tăng vọt 72,4% lên 9,34 triệu tấn.
Đây có lẽ là nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu gạo của chúng ta và của cả Thái Lan sang các thị trường chủ yếu không chỉ ở Châu Á, mà cả ở Châu Phi, đều giảm.
Rất có thể đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu mặt hàng này của chúng ta đến giữa tháng 3 này chỉ mới đạt 859 nghìn tấn, “rơi tự do” tới 33,7%, do giá đã tăng mạnh 18,1% và đạt 548 USD/tấn, tăng 18,1%, đạt kỷ lục trong 13 năm trở lại đây.
Nói tóm lại, giá gạo xuất khẩu tăng đương nhiên là điều rất đáng mừng, nhưng tăng tới mức dẫn tới ách tắc có lẽ lại là điều cần được cân nhắc.
Đòn bẩy cộng hưởng
Sở dĩ gạo của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu vượt Thái Lan và thu hẹp khoảng cách giá so với Thái Lan do những nguyên nhân chủ yếu cộng hưởng sau đây:
Thứ nhất, những nỗ lực của chính chúng ta là điều kiện tiên quyết. Đó trước hết là đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm và gạo nếp là hai loại gạo có giá cao hơn hẳn gạo trắng. Các số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA) cho thấy, hai loại gạo này chiếm tới 46,9% trong “rổ gạo xuất khẩu”, cao “một trời một vực” so với bất cứ quốc gia xuất khẩu gạo lớn nào. Bên cạnh đó, gạo trắng 5% tấm cũng chiếm tới 43%, còn các loại gạo khác chỉ chiếm hơn 10%.
Thứ hai, trong điều kiện cùng có những thị trường gần lớn, nhưng Thái Lan đồng loạt chịu sức ép tăng giá rất lớn. Trước hết, do bị hạn hán nặng nề, Thái Lan bị mất mùa lớn, giá thành lúa gạo tăng, nguồn cung khan hiếm, cho nên giá gạo bị đẩy lên. Bên cạnh đó, đồng Baht tăng giá mạnh càng làm cho giá gạo xuất khẩu đắt đỏ thêm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp của chúng ta cũng đã đẩy giá lên như nói trên nhưng vẫn giành được nhiều đơn hàng hơn.Thứ ba, tuy không thể không phủ nhận ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng ảnh hưởng đó không quá lớn và khi cơ hội đó đến, chúng ta đã tận dụng có lẽ triệt để.
Trước hết, theo FAO, không hề có việc các quốc gia tăng cường tích trữ lương thực ngay từ đầu năm do bị dịch COVID-19 đe doạ mất an ninh lương thực, bởi nhập khẩu gạo của thế giới năm 2019 là 41,1 triệu tấn và năm 2020 cũng chỉ nhích lên 44,4 triệu tấn; còn USDA đưa ra hai con số tương ứng: 42,15 triệu tấn và 43,47 triệu tấn. Không những vậy, nếu xét theo tiến độ xuất khẩu của ba cường quốc xuất khẩu gạo Ấn độ, Việt Nam và Thái Lan (chiếm hơn 60% tổng khối lượng của thế giới) thì bình quân trong 5 tháng đầu năm 2020 tuy bị đồng loạt “bế quan toả cảng” cũng vẫn đạt 2,13 triệu tấn/tháng; còn khi xuất khẩu gạo được nối lại thì cũng chỉ nhích lên 2,27 triệu tấn/tháng.
Tuy nhiên, khi các quốc gia vất vả đối diện những khó khăn do dịch bệnh, các chuỗi cung ứng gạo đồng loạt bị đứt, với kết quả đối phó dịch bệnh được cả thế giới thừa nhận, dù cũng phải trải qua câu chuyện “lùm xùm” về hạn ngạch, nhưng chúng ta hầu như ngay lập tức khắc phục để nhanh chóng xuất khẩu gạo được giá ra thị trường thế giới.