Chứng minh là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo cơ chế kinh tế thị trường có thể là “cứu cánh” để doanh nghiệp Việt được hưởng mức thuế suất riêng biệt trong giai đoạn Mỹ gia tăng các biện pháp bảo hộ.
Thực tế, từ năm 2003 đến nay, Hoa Kỳ đã liên tục gia hạn việc áp dụng biện pháp áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm cá tra- basa của Việt Nam, bất kể những biến đổi về giá bán của mặt hàng này của các doanh nghiệp Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là tại sao Hoa Kỳ có thể làm như vậy khi Việt Nam đã là thành viên của WTO từ năm 2007?
Ép vào thế “thua”
Theo quy định của WTO, Hoa Kỳ, với tư cách là nước NK có thể áp dụng biện pháp thuế CBPG khi khẳng định được hàng NK bị bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của mình. Khi đó, mức thuế suất của thuế CBPG sẽ bằng biên độ phá giá của hàng hoá, tức chênh lệch giữa giá XK và “giá trị thông thường” của hàng hoá mà thường là giá bán của hàng hoá đó trên thị trường nội địa của doanh nghiệp XK.
Điều đáng nói, đối với hàng hoá từ Việt Nam quy tắc thông thường này không được DOC áp dụng vì Việt Nam đã chấp nhận là nền kinh tế phi thị trường (NME) trong thủ tục điều tra CBPG cho tới 1/1/2019. Thay vào đó, giá bán của hàng hoá tương tự trên thị trường một nước thay thế bất kỳ sẽ được DOC sử dụng để là căn cứ tính giá trị thông thường. Như vậy, nếu chọn một nước có giá thành sản xuất cao hơn mức giá XK của Việt Nam, thì việc DOC xác định bán phá giá đối với hàng hoá bị điều tra sẽ rất dễ dàng.
Mặt khác, do giá cả được sử dụng để tính toán không phản ánh tình trạng thực của giá hàng hoá bị điều tra, biên độ phá giá sẽ có thể bị “đội lên” cũng có nghĩa là mức thuế CBPG sẽ cao tương ứng. Có thể nói, đây là lý do chính yếu dẫn tới việc doanh nghiệp Việt Nam luôn ở thế “thua” trong vụ kiện cá basa tại Hoa Kỳ (từ lần điều tra đầu tiên cho tới các lần rà soát hành chính sau đó).
Tiếp sau vụ kiện cá basa, hàng loạt mặt hàng XK khác của Việt Nam như tôm, túi nhựa, mắc áo thép, turbin điện gió, … cũng trở thành đối tượng điều tra và áp thuế CPBG của Hoà Kỳ. Điều đáng lưu ý là Hoa Kỳ duy trì một chính sách áp dụng thuế CBPG kéo dài hơn thời hạn tối thiểu 5 năm đối với tất cả các mặt hàng XK liên quan của Việt Nam.
Bên cạnh đó, DOC cũng thường xuyên áp dụng phương pháp tính toán biên độ phá giá “quy về 0-zeroing”, cố tình bóp méo các giá trị so sánh qua đó “thổi phồng” mức độ phá giá của hàng NK bị điều tra. Mặc dù “zeroing” đã bị WTO coi là không phù hợp với yêu cầu của Hiệp định CBPG của WTO. Điều này gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp XK của Việt Nam.
Trên bình diện chung, số lượng các vụ điều tra CBPG mà Hoa Kỳ tiến hành đối với Việt Nam không phải là nhiều so với một số nền kinh tế trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Tuy nhiên, nếu nhìn vào quy mô thị trường và mức độ thiệt hại (dựa vào kim ngạch XK, mức thuế suất và thời gian áp thuế) thì có thể nói Hoa Kỳ là một trong những thị trường rất “rủi ro” về vấn đề phòng vệ thương mại đối với XK Việt Nam.
Chứng minh doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường
Mặc dù vậy, ở đây cần phải nhìn nhận một thực tế là luật thương mại quốc tế không hạn chế việc áp dụng biện pháp CBPG đối với hàng NK bán phá giá gây thiệt hại cho sảng xuất nội địa, vì vậy nó được xem là một công cụ pháp lý hữu hiệu trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Bị kiện CBPG là điều bình thường trong thông lệ thương mại ở Hoa Kỳ, nhiều nước khác cũng đã và đang phải đối mặt với các vụ kiện CBPG tại đây. Nói cách khác, các vụ việc CBPG của Việt Nam tại Hoa Kỳ cần được nhìn nhận như một phần của cuộc chơi “thương mại quốc tế” và cần được xử lý theo những cách thức kỹ thuật tương ứng thay vì phản đối theo cảm tính hay chỉ trích chính trị hay đạo đức.
Như vậy, để đối phó với phó với các vụ kiện CPBG ở Hoa Kỳ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ biện pháp này và các quy định của pháp luật thương mại Hoa Kỳ. Đối phó với các vụ kiện CBPG tại Hoa Kỳ, trên hết và quan trọng nhất phải là những nỗ lực về mặt kỹ thuật để đáp ứng đúng các yêu cầu theo pháp luật của Hoa Kỳ theo hướng có lợi nhất cho mình và giảm thiểu thiệt hại.
Về cơ bản, doanh nghiệp cần biết là theo quy định pháp luật luật CBPG của Hoa Kỳ, mức thuế suất CBPG áp dụng cho hàng hoá của các doanh nghiệp là khác nhau. DOC sẽ áp dụng mức thuế suất CBPG gồm thứ nhất, mức thuế suất toàn quốc - đối với tất cả các doanh nghiệp XK của Việt Nam và thứ hai là mức thuế suất riêng biệt - đối với các doanh nghiệp hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường.
Do đó, doanh nghiệp có thể chứng minh là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo cơ chế kinh tế thị trường để được hưởng mức thuế thứ hai. Có nghĩa, các doanh nghiệp được điều tra riêng biệt, cung cấp các dữ liệu giá cả của mình cho DOC để được hưởng mức thuế CBPG thấp hơn mức thuế suất toàn quốc. Thực tế, trong đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế CBPG cá basa NK từ Việt Nam vừa qua, đã có 9 doanh nghiệp Việt Nam được DOC đồng ý cho vào danh sách nhóm các doanh nghiêp được hưởng mức thuế riêng biệt. Mức thuế suất trung bình của các doanh nghiệp này là USD 3,87/kg thấp hơn 50% mức thuế suất toàn quốc (USD 7,74/kg).
Để chuẩn bị tài liệu và minh chứng cơ sở đó cần chi phí không hề nhỏ, nhưng cần thiết nếu doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường Hoà Kỳ lâu dài. Doanh nghiê sẽ phải có những chuẩn bị tài liệu, sổ sách và các minh chứng theo các chuẩn mực mà DOC đề ra. Ví dụ, báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS của Hoa Kỳ, phải được kiểm toán bởi các công ty có uy tín quốc tế được DOC chấp nhận...
Bên cạnh các nỗ lực cá nhân, các doanh nghiệp cũng phải hiệp lực để cùng nhau đối phó với các vụ kiện CBPG. Các hiệp hội doanh nghiệp cần tích cực liên hệ và thúc đẩy nhà nước thực hiện các biện pháp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của mình thông qua thủ tục pháp lý tại WTO. Tính tới thời điểm hiện này chí phủ đã 4 lần tiến hành các thục tục khiếu kiện Hoa Kỳ về biện pháp CBPG tại WTO.