Ông Đôn Tuấn Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, cán cân thương mại hai nước mang tính bổ sung cho nhau rất rõ, không phải cạnh tranh trực tiếp.
Nhận định về việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ tại Báo cáo tháng 1/2020 về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ", ông Đôn Tuấn Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, cơ quan hai nước cần làm việc kỹ hơn để nhìn nhận lại bởi sau 25 năm bình thường hoá quan hệ, kim ngạch thương mại hai bên tăng rất nhanh.
Theo đó, cần nhìn vào cơ cấu thương mại giữa hai nước để đánh giá rõ ràng hơn. Bởi theo ông Đôn Tuấn Phong, cơ cấu xuất nhập khẩu hai nước mang tính bổ sung cho nhau rất rõ, không phải cạnh tranh trực tiếp. Thậm chí, nhiều sản phẩm trong cán cân xuất nhập khẩu lại giúp doanh nghiệp Mỹ còn hưởng lợi nhiều hơn doanh nghiệp Việt.
Đồng thời, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, trong bối cảnh dịch COVID-19, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được nâng lên, từ năng lực ứng phó, hiệu quả ứng phó và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, có thể vì vậy mà Việt Nam đã trở thành điểm đến của đầu tư nước ngoài lớn.
“Trong khi đó, Việt Nam có chính sách “không sử dụng thanh toán ngoại tệ trong nước”. Đây có thể là những yếu tố có thể đưa đến nhận định của phía Mỹ. Do đó, cần có sự đánh giá giá kỹ hơn của hai bên”, ông Đôn Tuấn Phong nêu rõ.
Cùng quan điểm, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, việc thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lớn có nhiều lý do nhưng chủ yếu do cấu trúc của cán cân thương mại Việt Nam.
Theo đó, hoạt động thương mại xuất nhập khẩu trong hơn 30 năm qua phản ánh quá trình chuyển đổi của nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường, với đặc trưng chi phí nhân công rẻ, thâm dụng lao động, tiếp nhận đầu tư nước ngoài, khai thác tài nguyên, dẫn tới giá hàng hoá xuất đi rất rẻ. Do đó, TS Trương Văn Phước cho rằng nếu nói những vấn đề đó là do Việt Nam đưa tỷ giá vào để cho hàng hóa của Việt Nam rẻ hơn là không phải.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng 3 tiêu chí: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Về cán cân vãng lai - gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền từ nước ngoài về, đặc biệt là kiều hối. Thì những năm gần đây, Việt Nam xuất siêu nhưng không lớn khoảng 5 đến 10 tỷ đô la Mỹ (USD)/năm, riêng năm 2020 hơn 20 tỷ USD. Thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam có một phần khá lớn do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài về.Nếu loại trừ kiều hối chuyển về hàng năm, cán cân vãng lai của Việt Nam còn thâm hụt hoặc thặng dư không lớn.
Kiều hối chuyển về là yếu tố khách quan không phải do tỷ giá cao hay thấp mà người Việt tại nước ngoài chuyển tiền về cho người thân. Do đó, tỷ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí Hoa Kỳ quy định mức 2% GDP.
Còn về can thiệp thị trường ngoại hối, hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua về mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại hối.
“Việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ suy cho cùng là thực hiện chức năng chuyển hoá các đồng ngoại tệ để giúp người dân tại lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng, tức việc mua vào này là bắt buộc. Khi cung cầu ngoại tệ thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước mua vào, khi thị trường biến động, thị trường mất cân đối, Ngân hàng Nhà nước bán ra để ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là những yếu tố cho thấy Việt Nam không thao túng tiền tệ", TS Trương Văn Phước nói.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 21/12/2020
11:30, 19/12/2020
06:10, 19/12/2020
05:00, 19/12/2020
09:35, 18/12/2020