Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang trưng cầu ý kiến của công chúng cho đến ngày 20/5, để chính thức đánh dấu bước đột phá đầu tiên của mình trên “đấu trường” tiền tệ kỹ thuật số có chủ quyền.
>>World Bank và IMF thúc đẩy tiền kỹ thuật số quốc gia
Mới đây, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng, các đồng tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) có thể làm suy yếu sự thống trị của Hoa Kỳ trong hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời kêu gọi thêm các nghiên cứu và hỗ trợ công chúng cho lĩnh vực này.
Được biết, những lo lắng bắt đầu xuất hiện khi đối thủ chiến lược là Trung Quốc đã thử nghiệm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) của họ trên khắp đất nước, với hơn 261 triệu người đã tải xuống ứng dụng ví e-CNY. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng, mọi nỗ lực cuối cùng sẽ giúp quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ thành công.
Theo tờ South China Morning Post, trong báo cáo nghiên cứu đầu tiên về một loại tiền kỹ thuật số tiềm năng của Hoa Kỳ có tiêu đề: “Tiền và Thanh toán: Đô la Mỹ trong Thời đại Chuyển đổi Kỹ thuật số”, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, một đồng Đô la kỹ thuật số sẽ phục vụ tốt nhất nhu cầu của Mỹ, bằng cách bảo mật an toàn, là trung gian có thể chuyển nhượng rộng rãi và được xác minh danh tính (KYC).
Một trong những lợi ích chính được liệt kê trong tài liệu thảo luận của Fed là sự hỗ trợ tiềm năng cho vai trò quốc tế của đồng Đô la Mỹ, nhưng Fed sẽ không tiến hành nếu không có sự hỗ trợ rõ ràng từ cơ quan hành pháp và từ Quốc hội, mà lý tưởng nhất là có khung khổ pháp luật.
“Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem xét các tác động của tiềm năng trong tương lai, trong đó, nhiều quốc gia và liên minh tiền tệ nước ngoài có thể đã giới thiệu CBDC.Một số ý kiến cho rằng, nếu các CBDC mới này hấp dẫn hơn các hình thức hiện có của Đô la Mỹ, thì việc sử dụng đồng Đô la trên toàn cầu có thể giảm và CBDC của Mỹ có thể giúp duy trì vai trò quốc tế của đồng Đô la,” báo cáo cho biết.
Trong khi đó, vẫn còn nhiều câu hỏi về tác động của lạm phát toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, do kết quả của các biện pháp kích thích và lo ngại thị trường tài chính, cũng như dòng vốn có thể trở nên hỗn loạn hơn khi các chính sách nới lỏng được thực hiện.
Do đó, Fed đang trưng cầu ý kiến của công chúng cho đến ngày 20/5 tới đây và sẽ chính thức đánh dấu bước đột phá đầu tiên của mình vào “đấu trường” tiền tệ kỹ thuật số có chủ quyền.
Trước động thái trên, Wu Qi, người đứng đầu Viện Kinh tế Kỹ thuật số tại Trung Quốc nói rằng, có rất nhiều cân nhắc cần được thực hiện trong sự phát triển của tiền tệ kỹ thuật số, đây có vẻ là một lĩnh vực đầy tính cạnh tranh quốc tế trong tương lai.
>>Ví Nhân dân tệ kỹ thuật số đứng đầu bảng xếp hạng lượt tải xuống
Dữ liệu từ Swift - Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, thống trị hệ thống thanh toán quốc tế cho thấy, Đô la Mỹ hiện đang chiếm 40,5% thanh toán toàn cầu vào tháng 12/2021, giảm so với 42,2% vào hai năm trước đó, nhưng tỷ trọng của đồng Euro lại tăng lên 36,7% từ 31,7% trong cùng kỳ.
Vừa qua, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng đã công bố một báo cáo nghiên cứu về đồng Euro kỹ thuật số và sau đó khởi động dự án điều tra về loại tiền tệ này, kéo dài trong hai năm. Như vậy, sự đe doạ đối với đồng Đô la Mỹ không chỉ đến từ Nhân dân tệ kỹ thuật số mà còn đến từ đồng Euro của châu Âu.
Một chuyên gia tài chính quốc tế nhận định, vốn dĩ, Trung Quốc từ lâu đã luôn phàn nàn về quyền bá chủ của Đô la Mỹ, do đó, quốc gia này đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số - chính thức được gọi là Thanh toán điện tử tiền tệ kỹ thuật số - từ một Viện nghiên cứu thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào năm 2016. Đặc biệt, tốc độ của nó đã được đẩy nhanh sau khi Facebook (mới đổi tên thành Meta) công bố dự án stablecoin của riêng mình vào năm 2019 với tên gọi Libra và sau này được đổi tên thành Diem. Tuy nhiên cuối cùng, dự án Diem vẫn chưa thực sự được ra mắt như mong đợi.
Theo thống kê, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã và đang thử nghiệm việc sử dụng e-CNY ở 10 khu vực bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Hải Nam, Tô Châu, Thành Đô, Xiongan, Trường Sa, Đại Liên, Tây An và Thanh Đảo. Ngoài 261 triệu ví kỹ thuật số được mở và được sử dụng trong các giao dịch với tổng trị giá 87,6 tỷ Nhân dân tệ (13,8 tỷ USD); tính đến cuối tháng 12, nó đã được hơn 8 triệu người bán chấp nhận. Như vậy, ví e-CNY của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi cơ sở người dùng trong hai tháng. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đang bắt tay hợp tác với Hồng Kông, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để khám phá việc sử dụng tiền kỹ thuật số trên thị trường quốc tế.
Qu Qiang, một thành viên cấp cao của Viện Tiền tệ Quốc tế thuộc Đại học Renmin đánh giá, báo cáo của Fed cho thấy ý định bắt kịp xu hướng của Hoa Kỳ đang rõ nét. Tuy nhiên, bất kỳ đợt phát hành đồng Đô la Mỹ kỹ thuật số nào cũng sẽ là một quá trình lâu dài, chứ không thể diễn ra trong phút chốc.
Ông nói thêm: “Thực tế, đồng e-CNY không được thiết lập để thách thức trực tiếp quyền bá chủ của Đô la Mỹ, nhưng nó có thể là một trong nhiều công cụ để nâng vị thế tiền tệ của Trung Quốc, tương xứng với sức mạnh kinh tế của quốc gia này”.
Có thể bạn quan tâm
16:00, 11/01/2022
11:30, 21/11/2021
05:00, 13/11/2021
01:02, 01/11/2021