Mỹ lấy lại “ngôi vương” nhập khẩu cá tra Việt Nam: Chưa thể vội mừng!

THY HẰNG thực hiện 29/12/2018 11:00

Mặc dù trở lại đứng đầu thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam, nhưng thuế chống bán phá giá sẽ tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

DĐDN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thứ ký VASEP về vấn đề này.

- Cá tra đã có một năm khởi sắc với giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD và đặc biệt là sự trở lại “ngôi vương” của thị trường Mỹ, thưa ông?

Đây là một thành tích trong bối cảnh chúng ta có nhiều khó khăn về thị trường.

Thời điểm đầu năm nay, Mỹ bất ngờ tuyên bố thuế chống bán giá lên tới 2,39 - 7,74 USD/kg khiến nhiều doanh nghiệp bi quan rằng cá tra “hết đường” vào đất Mỹ. Nhưng sau đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14). Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó. Đồng thời, Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông Nghiệp Mỹ cũng đưa ra quyết định công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn ở Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan tương đương với hệ thống của Mỹ.

- Vậy xuất khẩu vào Mỹ có tiếp tục giữ vững khi thị trường này ngày càng gia tăng các tiêu chuẩn, thưa ông?

Với cá tra, chúng ta luôn có lợi thế về nguồn cung bởi nước ta gần như chi phối sản lượng chính cho thế giới. Cùng với đó, chất lượng cá tra đã được người tiêu dùng thế giới chiêm nghiệm. Với việc xuất khẩu đạt mức hơn 2 tỷ USD ngay cả khi Mỹ đã siết nhiều quy định nhưng chúng ta đều đã vượt qua, điều này khẳng định chúng ta đã đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ.

- Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để phát triển sản phẩm chế biến sâu với cá tra?

Hiện nay, thế giới không tập trung vào một mắt xích để nói về sản lượng hay chất lượng mà ở nhóm hệ thống. Điều này khiến các nhà bán lẻ ngày càng có nhiều yêu cầu về chất lượng và đặc biệt là các sản phẩm giá trị gia tăng. Đây cũng là xu thế phát triển tất yếu.

Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, với cá tra có nhiều sản phẩm như collagen, đây là sản phẩm giá trị và nhu cầu cao. Ngoài ra nghiên cứu cho thấy có nhiều bộ phận của cá tra có thể sản xuất như bột canxi nano, hay thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

-Nhưng chắc hẳn vẫn còn những khó khăn mà doanh nghiệp cần lưu ý tại thị trường Mỹ, thưa ông?

Đúng vậy, thị trường Mỹ với những vấn đề liên quan tới chống bán phá giá sẽ tiếp tục là câu chuyện dài mà các doanh nghiệp cần lưu ý. Hiện phía Mỹ đang dùng đạo luật của họ áp vào sản xuất của chúng ta. Điều đáng nói, các số liệu kỹ thuật về sản xuất mà phía Mỹ sử dụng để tính toán không phải từ chúng ta mà lại là số liệu của một nước khác. Đây là điểm bất lợi và chống bán phá giá tiếp tục là khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp phải vượt qua tại Mỹ trong năm tiếp theo.

-Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ lấy lại “ngôi vương” nhập khẩu cá tra Việt Nam: Chưa thể vội mừng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO