Đã đến lúc Mỹ nên chuyển hướng sự quan tâm đến quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu (EU) thay vì Trung Quốc.
Brussels đã tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, trong khi các nhà đàm phán Mỹ vẫn còn say sưa với việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, những khó khăn tồn tại với EU vẫn còn đang hiện hữu.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 21/04/2019
00:25, 21/04/2019
06:00, 18/04/2019
04:16, 13/04/2019
Pháp đã đưa ra sự phản đối cho đến giây phút cuối cùng về việc EU tiếp tục đối thoại với Mỹ. Tổng thống Emmanuel Macron lo ngại rằng các cuộc đàm phán sẽ làm hồi sinh một cuộc tranh luận thương mại có hại về mặt chính trị đã từng làm cản trở đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trước đây.
Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp đã nêu rõ lập trường của ông là châu Âu không nên đàm phán một thỏa thuận với một quốc gia không tham gia Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, điều mà cả Nghị viện châu Âu và Pháp đều coi là điều kiện bắt buộc để ký kết các thỏa thuận thương mại mới.
“Châu Âu phải gương mẫu và kiên quyết trong bảo vệ khí hậu. Sẽ không công bằng khi chỉ có một bên trong thỏa thuận thương mại phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường”, người phát ngôn của tổng thống Pháp cho biết.
Theo quy định, toàn bộ thành viên EU phải cùng ký vào những thỏa thuận do liên minh này thương lượng để hiệp định có thể chính thức được thực thi. Do đó, Pháp hoàn toàn có thể là nhân tố cản trở mọi thỏa thuận đạt được.
Cùng với đó, hai bên đang gặp vướng mắc về những gì sẽ được đưa ra tại bàn đàm phán. Trong khi EU bảo vệ lĩnh vực nông nghiệp được trợ giá mạnh tay của khối và tập trung vào vấn đề loại bỏ thuế quan trong ngành công nghiệp; Mỹ lại muốn EU hạ thuế và bán sản phẩm nông nghiệp tại châu Âu.
Điều này cũng phù hợp với mong muốn của Tổng thống Trump khi ông muốn sử dụng các cuộc đàm phán để cắt giảm thâm hụt thương mại 150 tỷ USD của Mỹ với EU và nhấn mạnh rằng Brussels cũng phải mở cửa thị trường nông sản và dỡ bỏ các rào cản tiêu chuẩn nghiêm ngặt với sản phẩm đến từ Mỹ.
"Hai bên đã sẵn sàng khởi động đàm phán, nhưng thật khó để Mỹ và EU tìm thấy tiếng nói chung. Mỹ đang dành sự tập trung cao độ cho thỏa thuận với Trung Quốc. Do đó, cho đến nay, mục tiêu của EU vẫn dừng ở bước giảm bớt căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương và ngăn Tổng thống Trump áp thuế cao đối với ô tô nhập khẩu", Bernd Lange, chủ tịch Ủy ban thương mại của Nghị viện châu Âu nhận định.
Hy vọng chính là việc khởi động các cuộc đàm phán sẽ giúp ổn định mối quan hệ kinh tế căng thẳng giữa Brussels và Washington. Các nhà đầu tư đã bày tỏ hy vọng sẽ có ít tweet và các hành động đơn phương hơn, và hai bên sẽ thật sự tăng cường các cuộc tranh luận mang tính xây dựng.
Để phá vỡ sự bế tắc và đảm bảo rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU sẽ không đi vào ngõ cụt ngay khi bắt đầu, cả hai bên nên tập trung vào các vấn đề ít gây tranh cãi nhất và sau đó nhắm đến các mục tiêu dài hạn hơn.
Nói cách khác, các nhà đàm phán nên bắt đầu với một thỏa thuận loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp để nhanh chóng tìm kiếm tiếng nói chung và xây dựng lại niềm tin, sau đó giải quyết các vấn đề về nông nghiệp ở giai đoạn sau.
Đã đến lúc cả Mỹ và EU cần nhìn xa hơn và giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống. Bên cạnh việc theo đuổi thỏa thuận thương mại song phương, Mỹ và EU nên tận dụng các cuộc đối thoại như một diễn đàn để giải quyết các mối quan tâm chung về hệ thống thương mại toàn cầu.
Ví dụ, cả hai bên đều có chung sự quan ngại về các hoạt động chuyển giao công nghệ cưỡng bức và trộm cắp tài sản trí tuệ cũng như tình trạng dư thừa sản lượng thép và trợ cấp nhà nước của Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ và EU đồng ý rằng các quy tắc hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO là không đủ để giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước và thương mại số.
Có thể thấy, Mỹ đã không rút ra được bất kỳ đòn bẩy chiến lược nào từ xung đột thương mại với Trung Quốc. Washington nên nhận ra rằng, Mỹ cần phải giữ vững liên minh quan trọng với châu Âu. Đó là nơi mà Mỹ tìm thấy sự ủng hộ cũng như sự hỗ trợ cần thiết để duy trì thế cân bằng với các cường quốc khác trên thế giới.
Do đó, một thỏa thuận thương mại song phương và khắc phục các vấn đề mang tính hệ thống rộng lớn hơn phải đi đôi với nhau. Mỹ nên dừng nỗ lực cải cách nền kinh tế Trung Quốc và thay vào đó tập trung vào việc tìm kiếm một kịch bản "win-win" cho mối quan hệ thương mại Mỹ-EU.
Hai bên đã là đối tác và chia sẻ cùng một giá trị từ rất lâu. Và một ngày, khi Mỹ và EU không làm việc cùng nhau, Trung Quốc sẽ thắng.