Mỹ - Trung "lên gân" thế giới xoay trục

Bái Lạt Tư 14/09/2019 11:00

Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang không hẳn hoàn toàn là thảm họa, nếu một số nước trên thế giới biết biến thách thức thành cơ hội. Tuy nhiên, không dễ chút nào!

Dù Mỹ và Trung Quốc vừa nhất trí nối lại đàm phán thương mại vào đầu tháng 10/2019, nhưng triển vọng đạt được thỏa thuận vẫn… mịt mù như sương sớm.

CUỘC CHIẾN TRƯỜNG KỲ

Sở dĩ Mỹ và Trung Quốc khó đạt được thỏa thuận, vì đây là cuộc cạnh tranh "địa chiến lược" giữa 2 cường quốc, chứ không phải là cuộc tranh chấp thương mại đơn thuần. Chính vì vậy, hai quốc gia này liên tục làm căng với nhau hết lần này đến lần khác.

Tổng thống Trump muốn giành lợi thế để ghi điểm với cử tri Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, trong khi Trung Quốc lại muốn “câu giờ” hòng kéo dài cuộc chiến để “hạ bệ” Trump trong cuộc bầu cử này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đã và đang chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ, nơi mỗi bên đều chờ đợi một sự nhượng bộ đáng kể từ phía đối phương. Bởi vậy, cuộc đàm phán song phương giữa hai cường quốc vào tháng 10 tới hứa hẹn sẽ rất “nóng” trong bối cảnh bất ổn chính trị và kinh tế toàn cầu đang đe dọa tới cả các quốc gia liên quan khác, trong đó có Việt Nam. 

Không những vậy, quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là dấu hiệu cho một cuộc “đào thoát” khỏi các nguyên tắc thương mại tự do và hướng tới chủ nghĩa bảo hộ, qua đó có thể tạo ra những mâu thuẫn phức tạp hơn nữa giữa những quốc gia đã và đang là thành viên của các tổ chức thương mại tự do. Bối cảnh này không hề dễ chịu một chút nào với các quốc gia phụ thuộc xuất khẩu ở Đông Nam Á. 

Một số nhà quan sát đã chỉ ra rằng, các nước Đông Nam Á là những người chiến thắng tiềm năng trong cuộc chiến thương mại, khi các công ty đã bắt  đầu chuyển các hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc tới các nước láng giềng phía Nam. Việc chuyển hướng thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài do chiến tranh thương mại sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam nói riêng và toàn khu vực Đông Nam Á nói chung.

CƠ HỘI SONG HÀNH THÁCH THỨC

Theo báo cáo của Nomura Securities, đất nước hình chữ S đã sẵn sàng để đón nhận các đơn đặt hàng sản phẩm được chuyển từ Trung Quốc tương đương 7,9% GDP. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng đã tăng 36% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng đó là những lợi thế mang tính ước lượng dài hạn. Để thật sự hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung và phòng ngừa các rủi ro liên quan, Việt Nam phải để tâm đến các giải pháp trong ngắn hạn, bao gồm tăng cường cam kết đa phương, chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực sản xuất, cũng như tăng cường hội nhập chuỗi cung ứng khu vực. 

Các công ty đa quốc gia đang ngày càng quan ngại về cơ sở hạ tầng và mạng lưới hậu cần còn yếu ở các quốc gia Đông Nam Á, vốn sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp nếu muốn đặt cơ sở kinh doanh. Năng lực sản xuất cũng khó có thể cải thiện trong ngắn hạn, đặc biệt khi Việt Nam đã hoạt động gần như hết công suất.

Nhiều nhà phân tích quan ngại, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội đón dòng chảy sản xuất từ Trung Quốc nếu không nhanh chóng cải thiện tay nghề và cơ sở hạ tầng. 

Một bất lợi khác nữa mà Việt Nam đang phải đối mặt đến từ chính quan điểm của Nhà Trắng. Bên cạnh Trung Quốc, Trump cũng nhắm tới tất cả các quốc gia đang duy trì thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Cùng với đó, Mỹ tỏ ra rất đề phòng việc Trung Quốc sẽ tìm cách “rửa xuất xứ” hàng hóa qua các nước trung gian như Việt Nam. Quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào tháng 7 về việc áp thuế 400% đối với nhập khẩu thép từ Việt Nam chính là phản ánh rõ nét nhất quan điểm đó.

Sự ảnh hưởng của cuộc chiến Mỹ-Trung chưa dừng lại ở đó. Trên mặt trận tiền tệ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ vào tháng 5 đã bổ sung Việt Nam là một trong chín đối tác thương mại cần được theo dõi về khả năng thao túng tiền tệ. Nếu bất kỳ quốc gia nào trong số các quốc gia này bị gắn mác thao túng tiền tệ, sẽ có nguy cơ bị Mỹ chấm dứt các thoả thuận giao dịch.

Như vậy có thể thấy, nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng, Việt Nam sẽ có cơ hội, nhưng đồng thời cũng đối mặt rất nhiều thách thức. Do đó, Việt Nam cần phải chủ động và linh hoạt giữa những diễn biến khó lường từ các căng thẳng thương mại quốc tế. Hãy cùng chờ xem những diễn biến nào sẽ ảnh hưởng tới chúng ta trong cuộc họp song phương Mỹ-Trung vào tháng 10 tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ - Trung "lên gân" thế giới xoay trục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO