Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Chính phủ với ngành y tế trong năm 2018 về tăng cường chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Chính phủ vừa có Nghị quyết 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết đó là Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở nhằm tăng sự hài lòng của người bệnh; giải quyết căn bản tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuyến cuối vào năm 2020; tiếp tục phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, luân phiên, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; đẩy mạnh đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức và xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó giảm phiền hà, giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi cho người bệnh thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh (bệnh án điện tử, khám, chữa bệnh từ xa, chiếu chụp không cần in phim). Xây dựng cơ chế, chính sách và thực hiện lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện.
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong 10 năm qua nhiều bệnh viện công đang ở trong tình trạng quá tải trầm trọng, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 90-110%. Bệnh nhân thường phải nằm ghép 3-4 người một giường. Một phòng có 4 giường, nhưng cả chục bệnh nhân nằm điều trị là điều thường thấy tại hầu hết các bệnh viện của Nhà nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải tại bệnh viện công. Thực tế cho thấy, hiện nay tình trạng người bệnh cứ ốm là vượt tuyến để khám, không cần biết bệnh nặng hay nhẹ diễn ra rất phổ biến. Nhiều ca bệnh nhân mắc bệnh thông thường mà các cơ sở tuyến dưới thừa sức giải quyết nhưng vẫn lên tuyến trên để khám với lý do “cho yên tâm”.
Bên cạnh đó, năng lực y tế tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân khiến các bệnh viện tuyến trên quá tải trầm trọng. Nhiều báo cáo cho thấy, nhiều bệnh viện tuyến huyện xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, thiếu cán bộ y tế giỏi chuyên môn..., trong khi điều kiện kinh tế người dân các tỉnh ngày càng khá, họ có xu hướng lên tuyến trên điều trị...
Tình trạng quá tải bệnh nhân sẽ làm chất lượng khám chữa, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện bị ảnh hưởng. Ngoài ra, môi trường bệnh viện cũng dễ bị nhiễm khuẩn hơn và cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều tiêu cực trong ngành y như: vòi vĩnh, hạch sách người bệnh và gây ra nguy cơ mất an ninh trong bệnh viện.
Theo Phó Giáo sư-TS- BS Nguyễn Thanh Hiệp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM nếu tuyến dưới hoạt động tốt thì tuyến trên sẽ bớt gánh nặng. Khi tuyến trên đỡ quá tải, bệnh viện mới làm đúng vai trò, chức năng của bệnh viện là đầu tư để phát triển các chuyên khoa mũi nhọn và điều trị bệnh nội trú.