Còn nhớ đầu năm 2020 khi Nghị định 100/CP chính thức được có hiệu lực đã làm SABECO và nhiều doanh nghiệp trong ngành lao đao.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bất ngờ ập tới đã làm cho tình hình sản xuất kinh doanh ngưng trệ...
Đánh giá tác động của hai gọng kìm các chuyên gia đều cho rằng, ngành bia rượu chịu nhiều tác động mạnh từ đầu năm 2020 đến nay do tác động kép từ Nghị định 100/2019/NĐ- CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, và đại dịch COVID-19. Dù bủa vây giữa hai gọng kìm, SAB vẫn lãi sau thuế 717 tỷ đồng trong quý 1/2020. Dù số lãi này không đủ giúp doanh nghiệp ghi danh vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ đồng, nhưng cũng cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này bất chấp tác động kép nói trên.
Bước sang quý 2 năm nay, khi tình hình sản xuất kinh doanh đã ổn định trở lại, SABECO báo lãi sau thuế 1.216 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, đây là kết quả khả quan trong bối cảnh hiện nay, giúp SABECO chính thức ghi danh vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ năm 2020.
Bất chấp khó khăn do Nghị định 100/2019 và đại dịch COVID-19, lợi nhuận ròng quý 3/2020 của SABECO đạt 1.470 đồng, tăng nhẹ 1% so với quý 3 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 1.393 tỷ đồng. Đây là con số gần chạm đỉnh lợi nhuận mọi thời đại theo quý của SABECO.
Lũy kế 9 tháng đầu năm doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 20.096 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.403 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm doanh nghiệp hoàn thành được 84% kế hoạch doanh thu và gần 105% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.
Chia sẻ với DĐDN, ông Bennett Neo, Tổng Giám đốc, SABECO cho hay, thật sự dịch bệnh cho chúng tôi thời gian để nhìn lại. Covid-19 xuất hiệnkhiến tôi và ban điều hành có thời gian để suy nghĩ nhiều hơn.Covid-19 cũng giúp nhân viên Sabeco nhận ra nhiều điều. Trước đây, mọi người quen với việc công ty luôn tăng trưởng và bản thân nhận được những khoản thưởng tốt. Đây là lúc họ biết rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng.
Rất nhiều bản dự báo cho rằng tiêu thụ bia ở Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi khả quan trong quý 4/2020 và trong năm 2021 nhờ các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước dần trở lại bình thường khi đại dịch COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt và du lịch quốc tế được mở cửa trở lại trong năm 2021. Bên cạnh đó, vị trí số 1 trong ngành bia ở phân khúc bình dân và trung cấp sẽ giúp SABECO duy trì đà phục hồi theo xu hướng chung của ngành. Sản lượng tiêu thụ bia của SABECO dự phóng đạt 1,4 tỷ lít năm 2020 và tăng lên 1,8 tỷ lít năm 2021.
Nhờ vậy, năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự phòng của SABECO đạt lần lượt 29.771 tỷ đồng và 4.824 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu của SABECO dự phòng tăng trưởng 24,8% lên 37.163 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự phóng tăng 10,3% lên 5.322 tỷ đồng.
Được biết, năm 2020 Ban Lãnh đạo SABECO đặt kế hoạch khá dè dặt với doanh thu 23.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.252 tỷ đồng, giảm lần lượt 37% và 39% so với năm 2019. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch thấp nhất trong 5 năm trở lại đây của SABECO.
Nhìn vào các con số mà SABECO nỗ lực trong năm 2020, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kênh phân phối mua về nhà (off-premise) là động lực chính cho tăng trưởng của SABECO trong năm 2020. Để giành thị phần tại kênh phân phối này, SABECO đã tung ra sản phẩm mới là bia Lạc Việt theo công thức của các nghệ nhân Việt, đồng thời cung cấp một số ưu đãi cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.
Muốn tồn tại chắc chắn phải thay đổi, Ban Lãnh đạo Công ty đã đưa ra chủ trương cải thiện kênh thương mại hiện đại và phát triển kênh thương mại điện tử riêng; đồng thời mở rộng hệ thống mạng lưới phân phối và gia tăng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, SABECO tiếp tục gia tăng độ phủ tại khu vực nông thôn và đẩy mạnh danh mục sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, bởi tỷ trọng doanh thu xuất khẩu của SABECO mới chỉ chiếm 2% trong tổng doanh thu của doanh nghiệp này.