Nhóm ngân hàng TMCP có vốn nhà nước (Big 4) đã họp trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ. Vậy vốn của nhóm này sẽ tăng bao nhiêu trong năm 2022-2023?
Nhóm Big 4 đi đầu giảm lãi gần 17 nghìn tỷ hỗ trợ doanh nghiệp
Ba "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, VietinBank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Nhiều tờ trình quan trọng mới được ngân hàng cập nhật thêm. Một trong những yếu tố quan trọng mà các cổ đông ngân hàng đề xuất, đó là tăng vốn điều lệ cho ngân hàng.
Tại VietinBank, ngân hàng cũng đề xuất, bổ sung tờ trình tăng vốn điều lệ. Theo đó, VietinBank trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Cụ thể, VietinBank sẽ phát hành hơn 569 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 11,85%.
Với Vietcombank, Ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông xem xét thông qua báo cáo với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng tối thiểu 12% (tương ứng vượt 30.675 tỷ đồng). Tổng tài sản dự kiến tăng 8%, dư nợ tín dụng tăng 15%, huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến tăng 9% tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%...
Đặc biệt, ngân hàng cũng trình cổ đông xem xét thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020. Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới). Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.
Ban Lãnh đạo Vietcombank khẳng định, việc tăng vốn điều lệ cũng sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động
Ngày 29/4, BIDV đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ban Lãnh đạo BIDV kỳ vọng mức lợi nhuận trước thuế đạt 20.600 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 12,5%, đảm bảo tuân thủ hạn mức tín dụng do NHNN giao. Huy động vốn phù hợp với mức sử dụng vốn và cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng với dự kiến tăng 13% trong năm 2022.
BIDV là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tương đối thấp trong hệ thống, chỉ 0,82%. Trong năm 2022, nhà băng này tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ này ở mức thấp dưới 1,6%.
Định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn 2022-2025, theo ông Phan Đức Tú-Chủ tịch HĐQT BIDV đặt ra một số mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn này, đó là: Tổng tài sản tăng trưởng bình quân 8-12%, dư nợ cuối kỳ và huy động vốn tăng trưởng lần lượt 8-12,5% và 8-13%. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tăng từ 19-26% . Ngân hàng cũng sẽ phấn đấu để tỷ lệ ROE luôn cao hơn 12,5% trong cả giai đoạn, đồng thời duy trì hệ số CAR đảm bảo quy định của NHNN.
Năm 2021, vốn điều lệ của BIDV đã tăng thêm 10.365 tỷ đồng, đạt mức 50.585 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Năm nay, ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21%. BIDV dự định tăng vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và phát hành thêm cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
BIDV sẽ phát hành thêm hơn 607 triệu cổ phiếu (tương đương 12% số cổ phần đang lưu hành) để trả cổ tức năm 2021 từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Theo đó, BIDV có thể huy động 6.070 tỷ đồng theo phương thức này. Bên cạnh đó, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.552 tỷ đồng thông qua phát hành thêm hơn 455 triệu cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Liên quan đến việc tăng vốn của nhóm Big 4 NHNN, trong giai đoạn 2022-2023, NHNN dự kiến tăng vốn điều lệ cho các Ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và tiếp tục xử lý nợ xấu: Tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước và từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với Agribank; theo dõi, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Vốn điều lệ của 4 ngân hàng Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV tính đến hết năm 2021 lần lượt đạt 34.233 tỷ đồng, 37.089 tỷ đồng, 48.057 tỷ đồng và 50.585 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm