Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Nam Định cùng với các địa phương trong cả nước đang quyết liệt triển khai các giải pháp để gỡ bỏ cảnh báo Thẻ vàng của EC.
Từ công tác tuyên truyền...
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đã phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Nổi bật là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân về Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU, cũng như Nghị định 37/2024/NĐ-CP và Nghị định 38/2024/NĐ-CP.
Hằng năm, UBND tỉnh Nam Định ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tới các sở, ngành, địa phương ven biển; trong đó đã giao người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng vi phạm khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) tại địa phương mình quản lý…Các hoạt động tập huấn, phát tài liệu tuyên truyền, treo panô,... đã được tổ chức rộng khắp, thu hút sự tham gia của đông đảo ngư dân và cán bộ. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng.
Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông và vùng biển. Các đoàn kiểm tra đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trang thiết bị, giấy phép khai thác, nhật ký khai thác,... đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân.
Theo Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư - Sở Nông nghiệp và Môi trường Nam Định: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tích cực tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai kế hoạch kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) trên địa bàn tỉnh. Thông báo xóa đăng ký tàu cá thuộc diện mất tích 8 tàu, thông báo xóa đăng ký 5 tàu cá và xóa 10 tàu cá. Trình UBND tỉnh danh sách khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động năm 2025.
...đến quyết tâm "gỡ"
Để chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5 dự kiến vào cuối quý II/2025, các địa phương ven biển, trong đó có Nam Định đang quyết liệt rà soát, giám sát đội tàu và truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định phòng, chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu. Địa phương này, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong phòng, chống khai thác IUU.
Đồng thời tập tổ chức rà soát số lượng tàu cá hoạt động vùng ven bờ, vùng lộng; báo cáo Cục Kiểm ngư về kết quả thực hiện các quy định pháp luật về thiết bị giám sát hành trình, kết quả công tác kiểm soát hoạt động tàu cá, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác từ tháng 1 đến tháng 9/2024.
Tính từ đầu năm đến ngày 20/3/2025, toàn tỉnh Nam Định đã cấp đăng ký, đăng kiểm cho 41 tàu cá (trong đó: huyện Giao Thủy 7 tàu, Hải Hậu 14 tàu, Nghĩa Hưng 18 tàu, Trực Ninh 2 tàu). Xóa đăng ký 12 tàu cá.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cấp 13 văn bản chấp thuận mua, đóng mới, cải hoán tàu cá. Tổ chức cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 552/584 tàu, đạt 94,52% số tàu cá phải cấp theo quy định. Trong quý I năm 2025, Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư cấp mới 66 và cấp lại 8 Giấy phép khai thác thuỷ sản.
Như vậy tính đến nay trên địa bàn tỉnh còn 1.235 giấy phép trên tổng số 1.291 tàu cá còn thời hạn, đạt tỷ lệ 95,66%. Trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 556/584 tàu, đạt 95,21%.
Thông qua hệ thống giám sát tàu cá, các lực lượng chức năng đã phát hiện từ ngày 1/1/2025 đến ngày 17/3/2025 có 638 lượt/198 tàu mất tín hiệu kết nối trên 6 giờ trên biển; không có tàu mất tín hiệu kết nối hơn 10 ngày trên biển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân còn chưa cao, tình trạng khai thác IUU vẫn còn diễn biến phức tạp.
Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, tỉnh Nam Định cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần răn đe và phòng ngừa.
Đặc biệt, cần chú trọng đến việc hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho ngư dân, tạo động lực để họ tự giác tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tin rằng Nam Định sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong công tác chống IUU, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng tới khai thác bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.