Năm Mậu Tuất 2018 – năm của những chú chó thông minh, trung thành. Và đối với người Việt, con vật này xuất hiện khá sinh động từ trong hiện thực đời sống đến trong cả những câu chuyện cổ tích, văn chương, tục ngữ của đời sống người Việt.
Có thể nói, rất nhiều chuyện vui đặc sắc và thú vị có liên quan đến chó hay mượn chó để nói... người, làm đề tài châm chọc những thói hư tật xấu, mang đến cho người đọc tiếng cười hào sảng nhưng vẫn ẩn chứa sự sâu cay, đến nay còn được người đời truyền tụng.
Như chuyện kể, một nhà Nho định tâm chơi khăm bọn quan lại làm tay sai cho thực dân Tây, đã tìm cách mời những “tai to mặt lớn” này đến nhà dự tiệc... cầy tơ. “Khách quý” ngon miệng “xực” phàm quá đã nhưng chưa biết món gì bèn lên tiếng hỏi. Bậc thâm nho như chỉ chờ có thế, đưa tay chỉ khắp bàn tiệc, đáp: “Bẩm, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, tất cả đều là... chó cả đấy ạ!”.
Hay, truyện vui dân gian Việt Nam kể về một chàng rể quý nọ đến nhà bố vợ, khi nghe thấy tiếng chân từ sau nhà lên, anh tưởng bố vợ đứng dậy chào, hoá ra là tiếng chân chó bèn buộc miệng phàn nàn: “Thấy chó... tưởng cha! Đến chừng ông già vợ lên thật, anh không đứng dậy, bị trách, anh mới phân trần: “Thấy cha... tưởng chó!”.
Trong văn chương, ai cũng biết nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, sau khi bán “cậu Vàng” yêu quý của mình cho gã hàng thịt, lão khóc: “…thì ra tôi đã chừng này tuổi đầu mà đi đánh lừa một con chó! Nó không ngờ tôi lại nhẫn tâm lừa nó”.
Rồi, Chú Vàng trong truyện “Khách nợ” của nhà văn Tô Hoài khôn ranh, biết phân biệt kẻ xấu người tốt. Chú Vàng xưa nay rất hiền nhưng không thể tha thứ thái độ xấc láo, gian ác của lão lái Khế vào một chiều giáp Tết. Đặc biệt trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, bọn cường hào quý chó hơn quý người. Một ổ chó đối với họ có giá trị cao hơn nhiều so với một mạng người.
Trong tín ngưỡng, văn hóa, loài chó cũng có một vị trí đặc biệt trong đời sống các dân tộc. Chẳng hạn, tín ngưỡng của người Cơ Tu, Xê Đăng, S’tiêng, Giẻ Triêng, Chăm, Dao, Lô Lô… con chó chính là vật tổ của họ.
Trên trống đồng Đông Sơn và một số đồ đồng khác, hình tượng loài chó được thể hiện một cách khá công phu qua các tượng và hoạ tiết, khắc hoạ một giống vật tinh khôn và gần gũi với loài người, được mô tả với nhiều dáng vẻ trong nhiều khung cảnh và trạng thái khác nhau: Con thì mình tròn, thân ngắn, lông xù, đang theo dõi động tĩnh ở phía trước và có dáng dấp đang giữ nhà; Con thì mình thon, mõm dài, cổ cao, nanh nhọn, dáng nhanh nhẹn, hai chân trước duỗi thẳng, chân sau co lại như đang lấy đà chuẩn bị lao vào địch thủ; Con thì chân cao, mõm ngắn, đuôi cong, luôn luôn theo sát bên người trong những cuộc hành trình đầy mạo hiểm.
Thậm chí, xã hội loài chó cũng được con người phân ra đủ giai cấp sang hèn, thượng lưu hay bình dân hạ đẳng. Chỉ qua việc đặt tên gọi cũng có thể phân biệt được, những “Bẹc-giê”, “Phoóc ”... của mấy giống chó nhập hẳn khác xa với những Vện, Mực, Ki, Xám... của chó cỏ, chó cò... Để rồi, ai cũng phải thừa nhận, chó là con vật gần gũi, rất gắn bó với con người.
Và xuân 2018, thêm một lần nữa, nhiều họa sĩ Việt đã phác họa lại hình ảnh những chú chó vời nhiều gam màu sắc khác nhau, thu hút nhiều sự khen ngợi của người yêu nghệ thuật. Sự cuốn hút của mỗi bức tranh không chỉ bởi những chân dung, mà đặc biệt còn rất cá tính, mang hơi thở cuộc sống và hơi ấm của con người.
Đón chào năm Mậu Tuất 2018! Hình ảnh những chú chó sẽ mang lại nhiều may mắn cho chúng ta, giống như câu “… Chó đến nhà thì sang”. Đồng thời, người viết cũng xin chúc cho mỗi người con đất Việt thêm một mùa xuân ấm áp, yêu thương, một năm mới sức khỏe, thịnh vượng!