Thí điểm nhưng không thành công, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia rơi vào ngõ cụt.
Sau một thời gian tổ chức thí điểm việc triển khai dịch vụ công cấp độ 4 đổi giấy phép lái xe tại Hà Nội và Hà Nam không thu được kết quả, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (cấp mới GPLX và đổi GPLX do ngành GTVT cấp; việc giải quyết thủ tục sẽ thực hiện qua mạng và giao GPLX tận nhà) đổi GPLX do ngành GTVT cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tại văn bản của Bộ GTVT, đơn vị này kiến nghị chưa nhân rộng cấp, đổi giấy phép lái xe cấp độ 4 ra toàn quốc sau một thời gian triển khai do lượng người dân tham gia quá ít.
Vấn đề ở đây là tại sao nhân dân lại không mặn mà với việc đổi mới này? Có phải do phương án này quá rườm rà và chưa được tích hợp vào lợi ích cấp thiết của nhân dân?
Cùng nhìn lại, sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2021, các đơn vị liên quan đã cùng phối hợp để lên phương án mở rộng triển khai. Trong đó, Bộ GTVT là đơn vị chủ chốt cùng với Bộ Công an và Bộ Y tế bắt tay thực hiện.
Theo dự tính, trong quý III và IV/2020 hệ thống sẽ hoạt động ổn định và tích hợp vào Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia. Trên thực tế, việc kết nối tích hợp dữ liệu với các đơn vị liên quan đã có và khá đầy đủ như thu thập được thu thập thông tin về sức khỏe người lái xe, kết nối xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông,... và cấp giấy phép lái xe trực tuyến.
Thế nhưng, theo những số liệu thu thập ban đầu của Bộ GTVT thì con số về việc người dân quan tâm và đăng ký trong lĩnh vực này chỉ đạt mức “rất thấp”. Trong đó, sự thiếu đồng bộ của hệ thống đã khiến người khăn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận. Đồng thời, các đơn vị tham gia mô hình vẫn còn khá hạn chế, đó là nguyên nhân dẫn đến việc thí điểm tại các địa phương lại "dậm chân tại chỗ".
Hãy nhìn vào con số thống kê, số lượt xem của hơn 90 triệu dân chỉ là 1.019. Còn con số hồ sơ cấp mới chỉ vỏn vẹn là 1 hồ sơ, hồ sơ cấp đổi thành công để trả cho người dân là 10 hồ sơ. Những con số chẳng hề khả quan cho một dự án sẽ được triển khai trên diện rộng.
Bộ GTVT khẳng định đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT tuyên truyền về lợi ích và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Nhưng việc tuyên truyền trong suốt thời gian qua đến “khản cổ” cũng không mang lại hiệu quả.
Việc thí điểm chưa thấy kết quả đâu, nhưng kinh phí chi trả đã ngốn hết 162 triệu đồng/tháng và dự toán kinh phí thuê triển khai mở rộng là 542 triệu đồng/tháng. Gần một năm qua chi tiêu hết cả tỷ đồng, nhưng kết quả mang lại chỉ èo ọt, vậy đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm? Hay chỉ mang lại một văn bản kiến nghị rằng chưa thực hiện triển khai mở rộng ra toàn quốc.
Và sau đó, vẫn phải tiếp tục thí điểm, vẫn phải chi trả mức kinh phí khủng để tìm hướng đi mới. Qua đó, kéo theo hàng loạt đơn vị khác phải nhập cuộc. Nếu người dân vẫn không thực hiện thì hậu quả sẽ ra sao?
Nói như ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thì việc thực hiện đăng ký phải qua nhiều bước. Trong đó, “công dân cần phải truy cập cổng dịch vụ công, đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động (nếu đúng là số điện thoại chính chủ); tra cứu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ; tra cứu dữ liệu sức khỏe; thanh toán trực tuyến…”. Một mê cung những thao tác trên internet mà hiếm người có thể hiểu rõ.
Chưa kể, “hầu hết các dịch vụ này đều phải sử dụng cùng một số chứng minh thư hoặc căn cước công dân kết hợp với số điện thoại di động chính chủ để xác định đúng người thực hiện do đó đã dẫn đến hạn chế người dân trong việc khai báo, đăng ký trên cổng dịch vụ công. Cùng với đó, khi sử dụng dịch vụ, công dân phải thanh toán trực tiếp lệ phí đổi GPLX vào kho bạc, trong trường hợp đăng ký không thành công (do hồ sơ chưa hợp lệ) việc hoàn trả lại tiền sẽ mất rất nhiều thời gian.”
Còn nữa, việc gửi và nhận văn bản giấy như hiện nay vốn mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí khi làm các hồ sơ, thủ tục hành chính. Đôi khi hồ sơ bị thất lạc, hoặc không biết người tiếp nhận, giải quyết là ai để theo dõi hồ sơ của công dân.
Xét cho cùng, việc chuyển đổi cũng chỉ tuân theo mục đích chính là giúp người dân có thêm tiện ích, đỡ tốn thời gian và tiền bạc đối với các dịch vụ trong cuộc sống. Nhưng, với nhiều bất cập như vậy, công dân sẽ không bao giờ chấp nhận thay đổi. Ngoài ra, quyền lợi không được đảm bảo thì công dân không thể tự nguyện chuyển đổi.
Do đó, bài toán nâng cấp mức độ đối với dịch vụ công trực tuyến vẫn trong vòng nan giải.
Có thể bạn quan tâm
17:08, 08/10/2020
15:48, 16/09/2020
04:20, 16/09/2020
05:00, 08/08/2020
13:19, 28/05/2020
11:00, 02/04/2019