Nâng bậc xếp hạng chỉ số logistics lên 5-10 bậc vào năm 2025

Linh Nga 03/04/2019 10:54

Bộ Công thương đặt mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam (LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5 - 10 bậc.

Biểu đồ so sánh chỉ số LPI của Việt Nam với một số nước

Biểu đồ so sánh chỉ số LPI của Việt Nam với một số nước

Với việc nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng chỉ số này Bộ Công thương cho rằng sẽ đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo,... góp phần thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.

Kế hoạch đề ra 49 nhiệm vụ cụ thể gắn với vai trò của các Bộ, ngành, địa phương, được chia thành các nhóm nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với 6 chỉ số thành phần trong LPI, bao gồm: Nhóm nhiệm vụ về nâng cấp hạ tầng; Nhóm nhiệm vụ về cải thiện khả năng giao hàng; Nhóm nhiệm vụ về nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ logistics; Nhóm nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ, tối ưu khả năng truy xuất; Nhóm nhiệm vụ về rút ngắn thời gian và giảm chi phí; Nhóm nhiệm vụ về nâng cao hiệu quả thông quan; Nhóm nhiệm vụ bổ trợ.

Cục Xuất nhập khẩu là cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương  chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này.

Theo Báo cáo “Kết nối để cạnh tranh 2018: Logistics trong nền kinh tế toàn cầu” được Ngân hàng thế giới công bố, Việt Nam xếp hạng 39/160 nước điều tra với điểm số chỉ số năng lực logistics (LPI) được cải thiện đáng kể (3,27/5 điểm), tăng 25 bậc so với xếp hàng 64 năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nhưng vẫn đứng sau Singapore ở vị trí thứ 7 và Thái Lan ở vị trí thứ 32.

Mặc dù đánh giá về vấn đề phát triển logistics, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng hơn cả Singapore. Nhưng thực tế, chúng ta dường như không khai thác được gì nhiều từ lợi thế tự nhiên đó. 

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những năm gần đây, ngành logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh hơn tốc độ tăng GDP, đạt khoảng 16 – 20% với quy mô khoảng 20 – 22 tỷ USD/năm.

Tuy vậy, theo Báo cáo nâng cao hiệu quả ngành logistics nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của nhóm chuyên gia dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh  tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, chi phí logistics ở Việt Nam vẫn ở mức cao.

Nguyên cứu của World Bank cũng chỉ ra rằng, một trong những điểm nghẽn lớn đó là chi phí logistics của Việt Nam chiếm 18% tỷ trọng GDP, cao gần gấp đôi các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%. Tỷ lệ này đã giảm hơn so với trước, nhưng vẫn ở mức cao.

Đây được xem là rào cản đối với các doanh nghiệp Việt Nam và điều này cũng lý giải bởi một số nguyên nhân như cơ sở hạ tầng kém, thiếu kết nối, vận tải đa phương thức chưa phát triển, quy mô doanh nghiệp logistics trong nước quá nhỏ, thủ tục hành chính và nguyên nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu...

Theo kết quả tổng hợp của Bộ Giao thông Vận tải, hiện có khoảng 25/30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới tham gia đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam dưới nhiều hình thức. Trong khi đó, theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics, trong đó khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia tích cực vào thị trường. Tỷ lệ thuê dịch vụ logistics bên ngoài còn thấp, chỉ chiếm khoảng 35 – 40%.

Cũng theo Báo cáo này, hiện các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đảm nhận một phần nhỏ, khoảng 25% thị trường dịch vụ logistics trong nước. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 6.000 nhân viên logistics có trình độ và 1 triệu lao động việc làm trong ngành logistics, và mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nâng bậc xếp hạng chỉ số logistics lên 5-10 bậc vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO