Chuyên gia khẳng định, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics Việt Nam là yếu tố cốt lõi để tăng hiệu quả logistics, duy trì chuỗi cung ứng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp.
>>>Kho cao tầng: Giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp logistics
Khai mạc chuỗi sự kiện Valoma Confest, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh Xã hội chia sẻ, logistics là một trong số ít những ngành dịch vụ có nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh mang tính toàn cầu, trong đó nguồn nhân lực của ngành có tính dịch chuyển toàn cầu là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển này.
Theo “Báo cáo dự báo kỹ năng ngành logistics 2021 – 2023” được công bố tại diễn đàn Dự báo kỹ năng cho lao động ngành logistics Việt Nam, nguồn nhân lực logistics tại các doanh nghiệp logistics và sản xuất của Việt Nam ở tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Cụ thể, các vị trí đang thiếu hụt nhiều nhất là nhân viên kinh doanh logistics, nhân viên công nghệ thông tin logistics và điều phối khai thác vận tải, kho hàng và 05 kiến thức và kỹ năng logistics quan trọng nhất đối với thành công trong công việc của nhân sự logistics: ngoại ngữ; công nghệ thông tin; lập kế hoạch phương tiện, thiết bị; thích nghi áp lực công việc cao; tích cực trong công việc; tính trung thực…
“Từ cơ sở thực tiễn đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics Việt Nam là yếu tố cốt lõi để duy trì chuỗi cung ứng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia đặc biết trước những khó khăn từ dịch Covid-19”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp khẳng định.
Đồng quan điểm, PGS TS Lê Văn Luyện, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cũng khẳng định, logistics và quản lý chuỗi cung ứng là hoạt động “xương sống” của nền kinh tế, đồng hành với tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tiêu thụ với mức đóng góp cho GDP khoảng 6%.
>>>Gỡ bỏ "rào cản" cho doanh nghiệp logistics trong vận tải xuyên biên giới
>>>Doanh nghiệp logistics có thể không có “mùa cao điểm”
Từ năm 2020, sự xuất hiện của đại dịch covid- 19 đã tạo thêm tác động tiêu cực đến ngành logistics, làm tăng chi phí vốn đã ở mức cao. Trước yêu cầu đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Logistics thông qua các ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử, khai thác phương thức vận hành e-logistics.
Chia sẻ về vấn đề này tại hội thảo: “Cập nhật xu huớng phát triển công nghệ số trong ngành logistics - đào tạo và thực tiễn” nằm chuỗi sự kiện Valoma Confest 2022, TS Vũ Thị Ánh Tuyết, Học Viện Ngân hàng chia sẻ, xu thế tất yếu về thay đổi công nghệ trong hoạt động của do nghiệp cho thấy yêu cầu tất yếu phải ứng dụng công nghệ trong đào tạo logistics và chuỗi cung ứng tại các trường đại học. Cụ thể như, xu hướng số hoá chuỗi cung ứng, công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo hay nền tảng công nghệ đám mây trong logistics, công nghệ blockchain…
Điều đáng nói là hiện chỉ có 34% các trường có đào tạo về logistics và chuỗi cung ứng có ứng dụng công nghệ số trong đào tạo. Các trường đào tạo thiên về lý thuyết, chưa gắn liền với thực tiễn, trong khi đó, logistics yêu cầu đào tạo như đào tạo nghề, đòi hỏi sinh viên ra trường phải biết thực tiễn.
“Logistic là một nghề có trên thị trường, sau đó chúng ta mới đưa và đào tạo nên mới xảy ra độ vênh giữa đào tạo và thực tế. Cũng theo khảo sát của chúng tôi, chưa nhiều trường ứng dụng công nghệ trong đào tạo vì chi phí ban đầu khi sử dụng phần mềm lên tới 3 triệu/năm phần mềm/người dùng, chưa kể đầu tư cho cơ sở vật chất, chi phí thay đổi chương trình đào tạo, dẫn đến chi phí ban đầu cao hơn so với dự toán tổng chi của trường dẫn”, TS Vũ Thị Ánh Tuyết cho hay.
TS Nguyễn Thị Cúc Hồng, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) cũng thừa nhận, so với các trường đại học có đào tạo logistics trên thế giới, thì tỷ lệ ứng dụng công nghệ số trong đào tạo tại UEF còn khá thấp, chỉ chiếm 6/132 tín chỉ, tương đương 5%; trong khi tỉ lệ này ở Đại học Bắc Florida (Mỹ) là 11%, tại Đại học Curtin (Singapore) là 21%, Đại học Logistics Kuhne (Đức) là 39%.
“Trọng tâm của chương trình thiếu ứng dụng công nghệ, số hóa quản trị, đặc biệt là tự động hóa vào logistics. Chúng tôi muốn đề nghị ban lãnh đạo nhà trường cập nhật chương trình đào tạo, bổ sung các môn học hiện đại như E-logistics, code và dữ liệu quản trị, thiết kế nhà xưởng, nhà kho… Đưa giảng viên UEF sang các trường bạn để nghiên cứu, học tập để áp dụng cho sinh viên Việt Nam; đồng thời đầu tư mua giáo trình từ nước ngoài về áp dụng tại UEF”, TS Cúc Hồng nêu ý kiến.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, thời gian vừa qua, Tổng Cục cũng đã chỉ đạo tích cực các trường có giải pháp phát triển ngành logistics. Hiện nay có khoảng 30 trường trung cấp, cao đẳng đào tạo với quy mô hàng năm khoảng 11.000 nhân lực. Sắp tới, Tổng Cục sẽ phải tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, quy định cụ thể để gắn kết giữa doanh nghiệp – nhà trường – nhà nước. Việc này đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên, hướng tới đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
“Thời gian tới chúng tôi cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo khác mở mã ngành hoạt động, mở quy mô đào tạo logistics. Chúng tôi cũng hướng tới xây dựng Hội đồng kĩ năng ngành nghề, Hội đồng tư vấn ở các cấp độ khác nhau. Đây là thể chế để làm sao đưa doanh nghiệp thành một chủ thể tích cực trong quá trình đào tạo và giáo dục nghề nghiệp”, ông Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
12:14, 05/10/2022
00:44, 04/10/2022
15:15, 26/09/2022
03:00, 19/09/2022
14:12, 16/09/2022