Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Diendandoanhnghiep.vn Trước tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến, Việt Nam cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đây là chia sẻ của Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt nam, pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân ở nước ta hiện nay được quy định như thế nào, thưa Luật sư?

Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật với mức độ khác nhau từ Hiến pháp, Luật, Nghị định và Thông tư.

Theo đó, hệ thống pháp luật Việt Nam đã ghi nhận vấn đề bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và bí mật cá nhân từ bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và mới nhất là Hiến pháp năm 2013. Việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và bí mật thông tin của cá nhân đã được Nhà nước công nhận và bảo vệ thông qua quy định về bảo đảm an toàn và bí mật đối với thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng một cách toàn diện phạm vi quy định quyền được bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, quy định Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm: Tiến hành thu thập thông tin cá nhân sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; Chỉ sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

 Các dữ liệu cá nhân có thể bị đánh cắp.

Các dữ liệu cá nhân có thể bị đánh cắp.

Hiện, các hành vi vi phạm, xâm hại đến dữ liệu cá nhân có thể bị buộc bồi thường thiệt hại, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Điều 159 Bộ luật Hình sự quy định, “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” có thể bị phạt từ tới 3 năm. Điều 288 quy định về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam. Tuy nhiên, 2 tội danh này chưa quy định cụ thể, trực tiếp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới dữ liệu cá nhân đang diễn ra hiện nay,…

- Trên thế giới, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân được thực hiện như thế nào, thưa Luật sư?

Trên thế giới, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được nhiều quốc gia như: Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Liên minh châu Âu… hết sức coi trọng.

Theo thống kê, hiện nay đã có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó, Nhật Bản ban hành Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (APPI) vào tháng 5/2017, điều chỉnh đối với tất cả các công ty kinh doanh có trụ sở tại Nhật Bản hay ở nước ngoài khi kinh doanh tại Nhật Bản, thành lập Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân (PPC), tăng cường quản lý các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài (Google, Facebook, Amazon…).

Đáng chú ý, tháng 5/2018, Liên minh châu Âu đã ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu chung châu Âu (GDPR), yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định cụ thể, rõ ràng về cách thu thập thông tin cá nhân, địa điểm lưu trữ dữ liệu, loại hình dữ liệu được phép chia sẻ, các công ty nằm ngoài lãnh thổ châu Âu cũng phải chấp hành các quy định này. Bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm sẽ có nguy cơ đối mặt với mức phạt lên tới 20 triệu Euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu hàng năm.

Tại khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore đã có đạo luật riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân thì hầu hết các quốc gia còn lại cũng giống như Việt Nam đều chưa có Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới. Đặc biệt, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số,… giải pháp nào giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả bảo vệ dữ liệu cá nhân?

Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trước tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến, Việt Nam cần phải học tập các quốc gia khác trên thế giới, sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để cùng với các văn bản pháp luật khác tạo cơ chế hữu hiệu thực hiện quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân đã được quy định tại Điều 21 và 22 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

Bên cạnh đó, cũng cần thành lập Uỷ ban quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân với chức năng như: tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, tổ chức, cá nhân; nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động giáo dục, nghiên cứu; giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; điều tra xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm quy đinh pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân…

- Xin cảm ơn Luật sư!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714301111 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714301111 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10