Bình luận

Nâng cao hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần tháo gỡ các “nút thắt”

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 03/08/2024 11:16

Để hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực chất trước thực tế đã và đang tồn tại, theo các chuyên gia, cần tập trung tháo gỡ những “nút thắt” từ chính sách…

Hỗ trợ pháp lý được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao hiểu biết, kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật, từ đó góp phần phòng ngừa, hạn chế rủi ro pháp lý, tranh chấp pháp lý khi tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Đồng thời, đến ngày 24/6/2019, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - Đây được cho là chính sách hỗ trợ vô cùng ý nghĩa, quan trọng cho các doanh nghiệp, thế nhưng, việc triển khai vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế.

nang-cao-ho-tro-phap-ly-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-24.1.2.jpg
Hỗ trợ pháp lý được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao hiểu biết, kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật - Ảnh minh họa

Theo đó, nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025, tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng.

Thực tế cho thấy, những năm qua, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến hơn 97%.

Trong khi đó, tính đến ngày 30/6/2024 cả nước có 18.200 luật sư; 5.400 tổ chức hành nghề luật sư; khoảng 200 trung tâm tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương thiết lập, phê duyệt danh sách tư vấn viên pháp luật, trong đó chủ yếu là các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư (302 tư vấn viên pháp luật của Bộ Tư pháp và 2 tư vấn viên pháp luật của Bộ Công Thương).

Có thể thấy với tỷ lệ chưa đến 1,3% số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia vào mạng lưới tư vấn viên pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc huy động mạng lưới này tham gia tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, để đáp ứng các nhu cầu cho doanh nghiệp là khó khả thi và khó bảo đảm chất lượng.

nang-cao-ho-tro-phap-ly-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-24.1.1.jpg
Theo chuyên gia, hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của mạng lưới tư vấn viên pháp luật hiện nay còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả - Ảnh minh họa

Nhìn nhận về thực tế đã nêu, bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, những số liệu nêu trên cho thấy, hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của mạng lưới tư vấn viên pháp luật hiện nay còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả.

“Dù hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là lực lượng yếu thế so với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, nhưng thực tế chính sách này chưa đi vào cuộc sống, chưa đáp ứng được yêu cầu Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững”, vị này bày tỏ.

Đồng thời cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này xuất phát từ một số khó khăn, vướng mắc về thể chế, tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động của tư vấn viên pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện công nhận, miễn nhiệm tư vấn viên pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó các cơ quan còn lúng túng, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thiếu cơ chế quản lý, đầu mối thông tin thống nhất, tin cậy để giúp kết nối thông tin chung giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp vướng mắc với mạng lưới tư vấn viên pháp luật…

Và trước thực trạng đã nêu, không ít ý kiến cho hay, để việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực chất, đúng kỳ vọng đã đặt ra, cần giải quyết được các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của đội ngũ tư vấn viên pháp luật cũng như nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp.

Theo Luật sư Hoàng Ngọc Biên - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đội ngũ tư vấn viên đang hoạt động tuy ít nhưng vẫn chưa nhiều khách hàng, dù nhu cầu tư vấn pháp luật của các doanh nghiệp rất cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều lý do, tuy nhiên, để nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật, cần thống nhất quản lý đội ngũ này tại Bộ Tư pháp, không để phân tán ở các bộ khác; đồng thời nên cấp thẻ cho tư vấn viên vì “danh có chính thì ngôn mới thuận”.

Đồng tình với quan điểm đã nêu, Luật sư Phạm Ngọc Hải - Luật sư Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, Bộ Tư pháp cần đăng tải công khai danh sách tư vấn viên pháp luật và lĩnh vực chuyên môn của từng tư vấn viên để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiện theo dõi và đăng ký theo nhu cầu, đồng thời, cũng nên phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam để triển khai quán triệt Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài các vấn đề đã nêu, liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường hạn chế về mặt kinh tế nên khó khăn trong việc thuê luật sư giỏi mà cần phải tìm đến đội ngũ tư vấn viên pháp luật. Tuy nhiên, những tiêu chí để trở thành tư vấn viên pháp luật vẫn còn gò bó, khiến các luật sư trẻ mới ra trường dù muốn cọ xát thực tế vẫn khó có cơ hội trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp rất cao.

Vì vậy, để mở rộng cũng như nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tư pháp nên giảm thiểu các yêu cầu hành nghề, thu hút thêm nhiều luật sư trẻ tham gia đội ngũ tư vấn viên pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nâng cao hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần tháo gỡ các “nút thắt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO