Nâng cao sức khoẻ cộng đồng đang là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ đặt lên hàng đầu, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Trong nhiều giải pháp bền vững được đưa ra để nâng cao sức khoẻ cộng đồng thì doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp F&B được xem là hạt nhân quan trọng của quá trình này.
Trong những năm qua, Việt Nam đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe, nhất là tăng tuổi thọ và thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã đạt 75,6 tuổi; tỷ suất tử vong trẻ em dưới năm tuổi giảm xuống còn 22,1‰; tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 14,1%... Việt Nam cũng kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập, không để dịch lớn xảy ra….
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu đang gây ra những hệ lụy.
Đó là ô nhiễm môi trường sống cùng với sự gia tăng các yếu tố nguy cơ về hành vi lối sống đã làm trầm trọng gánh nặng mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, nhất là bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính... những căn bệnh này đang chiếm gần 80% số ca tử vong hằng năm.
Trong khi đó, việc phòng, chống các yếu tố nguy cơ, khám phát hiện sớm và quản lý, chăm sóc người bệnh ở tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được chú trọng đầy đủ. Mặc dù người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nhưng có tới gần mười năm phải sống với bệnh tật, vì thế làm giảm nhiều chất lượng của cuộc sống. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam cũng chưa được cải thiện nhiều trong những năm qua.
Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp bền vững đã được đưa ra nhằm nâng cao hơn nữa sức khoẻ của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không có một quốc gia nào, ngay cả các nước phát triển, có thể có đủ ngân sách để “bao cấp” được tất cả các chi phí y tế. Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, có thu nhập ở mức trung bình thấp. Đây là những khó khăn lớn đối với việc đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Do vậy, bên cạnh việc sử dụng nguồn ngân sách quốc gia, Nhà nước phải làm thế nào để huy động các nguồn lực xã hội, huy động mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe, trong đó có doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp F&B bởi đây là những đơn vị trực tiếp sản xuất và phân phối các sản phẩm thực phẩm, đồ uống tới người tiêu dùng.
Trên thực tế, sự tham gia của ngành hàng F&B có thể có những tác động rất lớn tới nhận thức và thói quen tiêu thụ thực phẩm, đồ uống của người tiêu dùng thông qua rất nhiều hình thức. Đầu tiên phải kể đến nhãn dinh dưỡng, công cụ tiết kiệm nhưng hiệu quả được rất nhiều nước phát triển áp dụng. Các công trình trước đây của OECD đã chỉ ra rằng các chính sách ghi nhãn thực phẩm có liên quan đến việc tăng 18% số người lựa chọn các sản phẩm thực phẩm lành mạnh hơn.
Những chiến dịch truyền thông cũng là một giải pháp quan trọng. Phần lớn các quốc gia OECD thực hiện những chiến dịch truyền thông đại chúng để thúc đẩy lối sống lành mạnh ít nhất một lần, dẫn đến một mức độ thành công nhất định trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng.
Bên cạnh những nỗ lực đến từ chính các doanh nghiệp F&B, cần có những hướng kết hợp giữa doanh nghiệp và Chính phủ để nâng cao hiệu quả của các hoạt động nâng cao sức khỏe cộng đồng như thu hút sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp trong những chương trình tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe người dân của Chính phủ, kêu gọi sự ủng hộ của các hiệp hội để lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp
Việc khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ y tế, không chỉ huy động được nhiều nguồn vốn, tháo gỡ và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mà sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các tập thể cá nhân trong và ngoài nước còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh về hiệu quả và chất lượng dịch vụ y tế giữa cơ sở công lập và các cơ sở ngoài công lập trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm
01:59, 30/12/2020
14:00, 29/12/2020
11:12, 29/12/2020
09:49, 29/12/2020
06:25, 29/12/2020
11:30, 28/12/2020
05:00, 28/12/2020
10:41, 27/12/2020
00:30, 27/12/2020