Nâng điểm thi: Trăm dâu đổ đầu “con dân"

Trương Khắc Trà 13/04/2019 11:00

Ở Hà Giang, một thủ khoa trường lớn đã được kiểm chứng, không biết cách nào để tìm việc, trong hàng trăm trường hợp được “giúp đỡ” lạ lùng...

Một thủ khoa ngành Văn học của trường Đại học sư phạm Hà Nội, hơn 2 năm không được di dạy, thất nghiệp, ở nhà nuôi lợn. Cô viết bức thư gửi Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, có câu đượm buồn: “Mong chú sẽ cho cháu một con đường”…

Gần 1 năm trôi qua, vụ án “nâng điểm thi” ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La vẫn chưa thể ngã ngũ, bèm nhèm nửa tối nửa sáng trong khi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sắp sửa diễn ra.

Người ta từng cho rằng, vì yếu tố “nhân văn” nên không cần thiết công bố danh tính những người mua điểm, nhưng dù có công bố hay không sự thật vẫn phơi bày, bởi không gì dấu được tai mắt người dân.

Một thí sinh đường hoàng bước vào trường Công an với số điểm cao ngất ngưỡng, bây giờ bị “trả về” giữa đầy rẫy những nghi kỵ ngờ vực. Nếu không phải chịu sự trừng phạt của luật pháp thì họ vẫn “khó sống” giữa miệng lưỡi người đời.

Tuy nhiên, các em không có tội, tội là những bậc cha mẹ đức cao vọng trọng muốn đặt con em mình vào “bệ phóng” tốt nhất, chúng chẳng mất giọt mồ hôi nào để bước ra đời với tấm lá chắn vững chãi.

Đó không chỉ là nguy cơ vài năm nữa bộ máy nhà nước được bổ sung thêm những nhân tài dỏm, một chiến sỹ công an kém trình độ, một bác sỹ chữa bệnh cứu người từng là học sinh không thể giải được bài toán cơ bản…

Một phần của sự thật đã phơi bày, không thể tin vào mắt mình nếu như so sánh điểm thật và điểm được nâng. Đắng chát thay “5,4 + 3,75 + 2,2 = 29!!!”. Ai từng trải qua thi đại học đều biết rằng, kết quả 3 môn 10 điểm là “sản phẩm” của những thí sinh kém nhất.

Có đến 222 trường hợp được nâng điểm thi

Có đến 222 trường hợp được nâng điểm thi

Và còn khó nghĩ hơn nữa, ái nữ của ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Triệu Tài Vinh nằm trong danh sách được nâng điểm, ông không hề hay biết “thế lực” nào đã làm việc này, ông suy đoán “có thể người ta mượn cái việc này để nâng điểm”!

Một Phó Chủ tịch huyện ở Sơn La cũng có con thuộc “diện” điểm cao, bày tỏ “không quan tâm”… con ông đang học ngành xã hội, trong khi điểm được nâng thuộc môn tự nhiên nên… chẳng có vấn đề gì!?

Có thể bạn quan tâm

  • Nâng điểm và con đường đến rối ren giáo dục

    Nâng điểm và con đường đến rối ren giáo dục

    05:00, 18/07/2018

  • Hạn chế gian lận thi cử bằng đóng cửa cửa hàng photocopy?

    Hạn chế gian lận thi cử bằng đóng cửa cửa hàng photocopy?

    11:15, 27/05/2018

Tại sao những bậc phụ huynh này không thế trả lời bằng cách khác, đáng lẽ ra với tư cách một công dân - người trong cuộc họ phải bày tỏ sự lo lắng mới đúng, phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ…

Nếu con em họ bị “gắp lửa bỏ tay” thì ông Bí thư Tỉnh ủy - với quyền lực và công cụ trong tay có thể tìm ra và xử lý bất cứ cá nhân nào trong ngành giáo dục địa phương dám “hãm hại’ con mình.

Có vô vàn cách để chứng minh con em mình vô tội, dễ thôi, tất cả 222 thí sinh được nâng điểm được tổ chức thi lại theo đề bài tương đương, xem kết quả ra sao. Một cách khác dễ hơn, hãy hỏi những thầy cô đã từng chủ nhiệm, dạy dỗ các em, bạn bè cùng lớp xem thử số điểm đạt tầm “thủ khoa” là hợp lý hay bất hợp lý.

Nâng điểm thi - đó không chỉ là vấn đề ở những con số, mà còn cho thấy thực trạng xã hội đau buồn. Một vài “thân nhân” lộ diện cho thấy gia thế “khủng” và từ đây cho dư luận “chất liệu” để suy đoán rằng, “chạy điểm” không rơi vào những gia đình khó khăn, không tiền, quyền.

Nó cho thấy sự bất công không hề nhẹ, con em nhà “có điều kiện” lại được tạo điều kiện, có nghĩa rằng, họ đang đánh cắp cơ hội “đổi đời” của hàng triệu gia đình nghèo khổ, vắt mồ hôi cho con ăn học để thay đổi số phận.

Thấy rõ thôi, những học sinh học lực yếu kém nghiễm nhiêm giành ghế thủ khoa nhờ “mối quan hệ” mà không phải là những học sinh giỏi, xuất sắc.

“Chạy điểm” còn cho thấy vấn đề muôn thuở của nền giáo dục đại học Việt Nam: “Lọt vào đây 99,99% sẽ thành cử nhân”. Nếu không có sức ép từ dư luận, nếu sự việc không bị phát hiện ra thì các em sẽ là sinh viên ưu tú và thành “nhân tài” sau vài năm nữa.

Trong quá trình đào tạo, những ngôi trường danh tiếng giàu truyền thống, chẳng nhẽ không phát hiện ra những sinh viên “có vấn đề”? Chẳng nhẽ, ngưỡng cửa đại học không có cơ chế sàng lọc, đối chiếu lực học với điểm đầu vào và thải loại những sinh viên không đủ năng lực?.

Thật khó hiểu những thí sinh học lực kém, làm sao “tiêu hóa” được khối chương trình đồ sộ, khó như trường đào tạo bác sỹ, sỹ quan lực lượng vũ trang?

Ngay tại Hà Giang, một thủ khoa trường lớn đã được kiểm chứng, không biết cách nào để tìm việc, trong hàng trăm trường hợp được “giúp đỡ” lạ lùng. Càng ngẫm càng thấy éo le!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nâng điểm thi: Trăm dâu đổ đầu “con dân"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO