"Nâng hạng" nhà đầu tư Mỹ bằng cách nào?

Ngọc Hà 16/05/2018 06:40

Thị trường đầu tư Việt Nam mới đây ghi nhận thoả thuận đầu tư trị giá hàng tỷ USD từ nhà đầu tư Mỹ. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể dòng vốn đầu tư FDI từ Mỹ vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.

Lễ ký kết thoả thuận đầu tư

Lễ ký kết thoả thuận đầu tư giữa nhà đầu tư Mỹ và UBND tỉnh Bạc Liêu trị giá 4 tỷ USD.

Cụ thể, Liên doanh nhà đầu tư Energy Capital Vietnam (Mỹ) và UBND tỉnh Bạc Liêu vừa ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác đầu tư xây dựng dự án cung cấp khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) và nhà máy điện khí tại vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu. Dự án dự kiến có tổng giá trị 4 tỷ USD tương đương 91.400 tỷ đồng với quy mô 3.200MW.

Tín hiệu tích cực thôi chưa đủ

Đây là một tín hiệu đáng mừng khi quy mô dòng vốn FDI vào Việt Nam tính từ đầu năm 2018 chưa có dự án nào đạt mức tỷ USD. Bên cạnh đó, đây cũng được coi là tín hiệu tích cực khi nhà đầu tư Mỹ vẫn giữ vị trí khiêm tốn trên bảng tổng sắp đầu tư FDI của Việt Nam.

Tính đến tháng 4/2018, Mỹ là nhà đầu tư thứ 9 trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 879 dự án trị giá khoảng 10 tỷ USD. Trong tháng 4 này thị trường đầu tư Việt Nam cũng ghi nhận khoảng 166 triệu USD đầu tư mới từ nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Trong đó ghi nhận 70 lượt góp vốn, mua cổ phần trị giá khoảng 60 triệu USD.

Nhà đầu tư Mỹ được đánh giá là một trong những nhà đầu tư có nguồn vốn nhàn rỗi cao  nhất thế giới. Vì vậy, với vị trí là nhà đầu tư số 10 tại Việt Nam dường như chưa phải là vị trí xứng đáng của nhà đầu tư này.

Phải làm sao để thu hút được các nhà đầu tư Mỹ ngày càng nhiều đến Việt Nam, với các dự án quy mô lớn, chất lượng đã sớm được Việt Nam nhìn nhận như là một chiến lược ưu tiên trong hoạt động thu hút đầu tư FDI?

Điều này được thể hiện trong Dự thảo lần 2, một trong những thay đổi của chiến lược thu hút FDI đó là làm thế nào thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư đến từ Mỹ và EU đầu tư vào Việt Nam. Điều này nhắm góp phần đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư, và “hấp thụ” các công nghệ hiện đại, kinh nghiệm sản xuất từ các thị trường hàng đầu thế giới này.

Và Việt Nam vẫn đang trên hành trình tháo gỡ những điểm khó trong bài toán làm thế nào để thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư Mỹ trong bối cảnh môi trường đầu tư của Việt Nam có nhiều cải thiện, Việt Nam là thành viên của nhiều Hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương. Cũng chính nhờ những cải thiện tích cực về môi trường đầu tư cùng với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển tích cực.

Tháo gỡ rào cản bằng cách nào?

Tuy nhiên, về phía mình, nhà đầu tư Mỹ cho rằng, những “rào cản” khiến các nhà đầu tư này vẫn e ngại chưa khai rộng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam đó là tính “bất định” của chính sách.

Xin được chia sẻ dẫn chứng của GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài, dẫn chứng: “Chủ trương cấm xuất khẩu gỗ xẻ khiến hơn 10 doanh nghiệp FDI phá sản. Có những ý kiến không cho nhà đầu tư nước ngoài làm bia vì làm bia có lãi. Thuốc lá điếu lúc cho làm, lúc không”. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như ô tô, thép, vận tải, y tế... cũng đều gặp tình trạng tương tự".

Bên cạnh đó, mọi lo lắng được đẩy cao hơn khi Mỹ đã không còn là thành viên của Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng dễ hiểu khi doanh nghiệp đặt câu hỏi về việc làm thế nào để Việt Nam có thể tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài mà đặc biệt là Mỹ tại Hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” được tổ chức mới đây.

Trả lời mối băn khoăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Việt Nam và Mỹ đã có nhiều cơ chế hợp tác thông qua các hiệp định thương mai, hiệp định khung về đầu tư và thương mai hay thông qua WTO”.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay Mỹ vẫn là nhà đầu tư và đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nếu Mỹ không đầu tư vào Việt Nam thì đó là thiệt thòi của nhà đầu tư Mỹ, bởi họ đã không tham gia vào sân chơi có quy mô và mối liên kết lớn như Việt Nam.

Mặc dù vậy, để nhà đầu tư Mỹ không còn e ngại khi đầu tư vào Việt Nam, điều cốt lõi nhất vẫn là môi trường kinh doanh Việt Nam được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hơn nữa, trong đó đặc biệt là các chính sách như đã nhắc ở trên. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới lạc quan về quá trình đầu tư nhiều dự án hơn, quy mô lớn hơn từ nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam sẽ nhanh hơn.

Bên cạnh đó, với tín hiệu tích cực như thoả thuận đầu tư của dự án đầu tư điện khí nêu trên, hay những tên tuổi quen thuộc đang hoạt động kinh doanh và làm ăn có lãi tại thị trường Việt Nam như Coca-Cola, Exxon Mobil và Cargill, General Electric, Johnson and Johnson, Pfizer…đây chắc chắn sẽ là những điển hình kinh doanh của nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng về việc ngày càng nhiều nhà đầu tư Mỹ sẽ đầu tư vào Việt Nam khi Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyên bố sẽ cân nhắc việc quay lại Hiệp định TPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Nâng hạng" nhà đầu tư Mỹ bằng cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO