Vai trò của năng lượng trong quá trình phát triển kinh tế, những thách thức về môi trường mà Việt Nam phải tìm hướng xử lý.
Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) – tiền thân Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Tiến sĩ Lê Việt Phú, Giảng viên Chính sách Môi trường đã có bài thuyết trình về vai trò của năng lượng trong quá trình phát triển kinh tế, những thách thức về môi trường mà Việt Nam đang gặp phải, cũng như vai trò can thiệp của chính sách công.
Thực trạng tiêu thụ và sản xuất điện trong nước
So với những quốc gia khác có thu nhập bình quân đầu người còn khiêm tốn, Việt Nam được đánh giá tốt về mức độ tiếp cận năng lượng với ước tính toàn bộ làng xã trên khắp cả nước đã hòa lưới điện quốc gia cùng giá điện tương đối rẻ (khoảng 8 US cent/kW, so với 30 cent/kW ở Singapore hay Philippines). Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng năng lượng ở Việt Nam vẫn khá thấp. Ở châu Á, Singapore đạt ngưỡng tiêu thụ 11000 kW/người/năm, Trung Quốc đạt 4400kW, còn Việt Nam mới đạt 2200kW.
Tiến sĩ Lê Việt Phú phân tích, giữa tăng trưởng kinh tế và sử dụng năng lượng tồn tại mối tương quan vô cùng chặt chẽ. Đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển, việc duy trì mức tăng nhu cầu sử dụng năng lượng đóng vai trò mật thiết trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Điều này đồng nghĩa khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thường niên 6-7% trong vòng 5-10 năm tới đây, kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng nhanh sẽ tạo áp lực rất lớn lên nguồn cung điện.
Tính đến nay, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản lượng điện của cả nước, theo sau là thủy điện. Điện than từng có giai đoạn được ưu tiên phát triển bởi giá thành sản xuất rẻ, dù đây là nguồn năng lượng gây ô nhiễm. Nếu chỉ xét trên chi phí sản xuất năng lượng quy dẫn (LCoE), bao gồm chi phí vốn, chi phí vận hành – bảo dưỡng và chi phí nhiên liệu của các loại hình năng lượng khác nhau, một số nguồn năng lượng thay thế như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối có giá quy dẫn thấp hơn điện than. Vậy, câu hỏi được đặt ra là tại sao những nguồn năng lượng thay thế này vẫn chưa có sự bứt phá so với năng lượng hóa thạch truyền thống?
Lý do thứ nhất, theo Tiến sĩ Lê Việt Phú lý giải, là do hệ thống đường dây truyền tải hiện nay chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn, dẫn đến nút thắt về hạ tầng cơ sở. Những quy định về đầu tư nước ngoài hay những chính sách về giá năng lượng tái tạo cũng chưa thực sự rõ ràng về tầm nhìn dài hạn, khiến các nhà đầu tư nước ngoài còn dè dặt. Ngoài ra, những nguồn năng lượng thay thế thường thiếu sự ổn định về vận hành, dẫn đến phát sinh chi phí để duy trì nguồn điện dự phòng và đẩy chi phí sản xuất điện trung bình của hệ thống lên cao. Chính vì vậy, trong tương lai gần, các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống vẫn được cho là vẫn chiếm vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo yêu cầu cấp điện và phát triển kinh tế.
Xe điện – giải pháp cho vấn đề ô nhiễm?
Rõ ràng, sử dụng năng lượng tất yếu dẫn đến phát thải và gây ô nhiễm môi trường, trong đó bao gồm cả thiệt hại nhãn tiền và thiệt hại lâu dài. Để duy trì mục tiêu tăng trưởng thu nhập và mức sống của người dân, vấn đề ô nhiễm môi trường sống là không thể tránh khỏi, cùng với đó là những hệ lụy, thiệt hại về sức khỏe con người. Những năm gần đây, chất lượng không khí ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM suy giảm rõ rệt, là hệ quả trực tiếp từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho nhu cầu giao thông đi lại, sinh hoạt và sản xuất. Những hiện tượng như sương mù quang hóa tạo nên bầu không khí u ám và khó thở phát sinh từ phát thải oxit nitơ và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) của các phương tiện giao thông dưới ánh sáng mặt trời. Bụi mịn PM2.5, loại bụi có kích cỡ dưới 2.5 micromet, được xác định chính là "thủ phạm" của những bệnh hô hấp thường gặp như bệnh phổi, hen suyễn, viêm nhiễm đường hô hấp, và thậm chí làm tăng nguy cơ của những căn bệnh nghiêm trọng hơn như đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh tim mạch có thể gây tử vong.
Trên thế giới, nhiều quốc gia khuyến khích người dân chuyển từ các loại xe động cơ đốt trong sang xe điện để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, Tiến sĩ Phú cho rằng hiệu quả kinh tế cũng như những bất cập của sử dụng xe điện còn chưa được nghiên cứu cụ thể.
"Xe điện dù có hiệu suất chuyển đổi tốt hơn động cơ đốt trong nhưng nếu sử dụng nguồn điện hóa thạch thì cũng không sạch hơn là mấy. Thực chất là chúng ta chỉ chuyển ô nhiễm từ các thành phố lớn sang những vùng khác, mà đại đa số những khu vực có nhà máy nhiệt điện là những vùng có nhiều người dân nghèo và thiệt thòi của xã hội sinh sống. Đây là một vấn đề về mặt đạo đức. Bản thân việc sử dụng xe điện cũng gây ô nhiễm vì ắc quy sẽ phải thay trong vòng vài năm, và khi thải loại ra cũng chưa có cách tái chế triệt để. Cho nên, trên thực tế xe điện vẫn gây ô nhiễm.
Ở Mỹ có chính sách ưu đãi giảm thuế cho người mua xe điện, chẳng hạn như những chiếc xe Tesla khá đắt tiền và thời thượng, thì theo tôi, đây là một chính sách gây mâu thuẫn bởi chỉ những người giàu có mới được hưởng. Trên góc độ xã hội và đạo đức, và phân tích đầy đủ các khía cạnh thì xe điện chưa chắc đã là một giải pháp tối ưu. Tính cả vấn đề nguồn điện sạc và cơ sở hạ tầng cho trạm sạc điện, hiện nay Việt Nam chưa thể đáp ứng được những yêu cầu đó một cách đầy đủ. Mỗi sản phẩm hay giải pháp về môi trường thường không rõ ràng, mà là những bài toán khó cần nhìn nhận từ nhiều góc độ, nên trước khi đưa ra một chính sách ta phải cân nhắc và nghiên cứu kĩ."
Lý thuyết đường cong môi trường Kuznet cho rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa thu nhập bình quân đầu người và mức độ ô nhiễm của một số loại phát thải như oxit lưu huỳnh (SO2) và bụi mịn. Đây là một đường cong hình chuông, mô tả mối quan hệ đồng biến giữa thu nhập với mức độ ô nhiễm cho tới khi đạt mức ô nhiễm đỉnh thì thu nhập càng cao phát thải ô nhiễm lại càng giảm. Nguyên nhân là khi kinh tế phát triển đến một ngưỡng nhất định, dân trí được nâng cao và hệ thống hành pháp sẽ có những quy định chặt chẽ, tối ưu hơn về việc giảm thiểu và xử lý chất ô nhiễm. Người dân có thu nhập cao cũng sẽ sẵn sàng chi trả thêm cho những sản phẩm sạch, thân thiện hơn với môi trường, hay các dịch vụ xử lý rác thải. Bên cạnh đó, cơ cấu nền kinh tế sẽ thoát ly khỏi những ngành tiêu hao nhiều năng lượng như khai khoáng, nông nghiệp và chuyển dịch sang ngành dịch vụ, du lịch với mức độ sử dụng năng lượng thấp hơn.
Không thể phó thác cho thị trường
Trong bài thuyết trình, Tiến sĩ Lê Việt Phú đề cập đến khái niệm "ngoại tác" (externality) – chi phí hay lợi ích ảnh hưởng đến bên thứ ba không liên quan trực tiếp đến người mua và người bán trong một giao dịch. Trong kinh tế năng lượng, ngoại tác chính là những thiệt hại từ ô nhiễm môi trường sống. Những ngoại tác này là lý do chính phủ không nên để thị trường năng lượng tự vận hành.
"Đốt nhiên liệu hóa thạch gây thiệt hại ô nhiễm môi trường, gây ra biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Những thiệt hại này chưa được tính hoặc được tính không đầy đủ trong giao dịch giữa bên mua và bên bán, trong khi bên thứ ba là người dân là đối tượng chịu tác động chính từ những ô nhiễm do phát thải sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra. Do đó, thị trường năng lượng bắt buộc phải có vai trò của chính sách công, cần sự can thiệp của chính phủ để 'nội hóa ngoại tác' – nhằm đưa thị trường trở lại trạng thái tối ưu với tổng phúc lợi xã hội cao nhất."
Thời gian gần đây, chính phủ đã ban hành một số chính sách nhằm giảm ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như tăng thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu xăng dầu. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Việt Phú, khi đánh giá hiệu quả của những chính sách can thiệp về giá thì cần xem xét đến đặc tính hàm cầu của từng loại mặt hàng. Một số mặt hàng có hàm cầu không co giãn theo giá, tức là giá cả biến động lên xuống nhưng nhu cầu tiêu thụ của người dân ít thay đổi, thì chính sách giá sẽ không có tác dụng thay đổi hành vi, mà chủ yếu nhằm tăng thu thuế và đẩy gánh nặng cho người tiêu dùng.
Vấn đề đạo đức một lần nữa được đặt lên bàn cân khi xét đến giá điện. Nếu coi điện là mặt hàng tiêu dùng thông thường, chính phủ hoàn toàn có thể điều chỉnh tăng giá để giảm nhu cầu sử dụng điện. Còn nếu coi việc tiếp cận và sử dụng điện như một quyền cơ bản của công dân, chính phủ nên giữ giá điện ở mức thấp để đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận. Hiện nay, chính phủ Việt Nam đang duy trì một số cơ chế trợ cấp chéo giữa các đối tượng sử dụng khác nhau và nhằm vào ưu tiên phát triển một số ngành nhất định, dẫn đến hiệu quả sử dụng điện khá thấp và không khuyến khích phát triển các nguồn điện sạch.
Trong khi đó, nếu đo đạc, tính toán đầy đủ thiệt hại từ ô nhiễm môi trường, những công nghệ điện tái tạo kết hợp các nguồn dự phòng hay điện khí hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với những nguồn năng lượng điện than truyền thống. Công nghệ năng lượng tái tạo, dù không hiệu quả về tài chính do chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng lại hiệu quả hơn về mặt kinh tế trên đường đua dài hạn. Mặc dù những công nghệ như điện mặt trời hay điện gió vẫn còn quá mới để đánh giá đầy đủ ngoại tác, vai trò của chính sách công là nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện để đưa ra những tham số, thông số cụ thể, khơi mở đối thoại chính sách, từ đó đưa ra những chính sách hiệu quả, đảm bảo tính công bằng, khả thi và bền vững.