Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong ngành năng lượng toàn cầu khi Diễn đàn năng lượng xanh 2025 diễn ra, từ đó mở đầu một kỷ nguyên về tương lai năng lượng bền vững.
Chiều ngày 31/3, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025 với chủ đề: “Năng lượng xanh, sạch kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới - Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới”.
Phát biểu khai mạc, ông Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chia sẻ, năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% và giai đoạn từ năm 2026 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt hai con số (tức từ 10% trở lên). Cùng với đó là cuộc cách mạng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với tốc độ và mức độ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo ngày càng nhanh và phổ biến. Đáp ứng yêu cầu cấp bách phục vụ các mục tiêu phát triển, nhu cầu điện năng đã được các cơ quan quản lý và các chuyên gia tính toán cần phải tăng từ 12 đến 16% mỗi năm. Điều này đòi hòi cần có sự điều chỉnh trong các chiến lược và quy hoạch phát triển điện và các nguồn năng lượng.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Diễn đàn Năng lượng Xanh 2025 là tăng cường hợp tác quốc tế. Theo đó, Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế dự báo là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và là một trong 3 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất nhóm 30 nước mới nổi và đang phát triển tại châu Á. Sự hợp tác này sẽ không chỉ giúp các quốc gia phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo mà còn giúp các nước nghèo có thể tiếp cận công nghệ mới và giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự thay đổi khí hậu, môi trường. Cùng với đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào 2050 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng nghĩa với nhu cầu điện sẽ tăng lên đáng kể khi các ngành được điện hóa.
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đánh giá cao diễn đàn và cho rằng đây là sự kiện mang tính đột phá để thúc đẩy chuyển đổi nhanh năng lượng xanh của Việt Nam. Từ thực tiễn phát triển cho thấy, năng lượng không chỉ là yếu tố then chốt mà còn quyết định khả năng phát triển bền vững của quốc gia, là huyết mạch cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Với vai trò quan trọng của lĩnh vực năng lượng với nền kinh tế, Đảng, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã và đang tích cực xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển lĩnh vực này. Trong đó, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đang được tích cực nghiên cứu. Năng lượng nguyên tử rất quan trọng góp phần đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế. Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng xanh còn một số băn khoăn với các nhà đầu tư. “Kỳ vọng qua diễn đàn này, các nhà đầu tư hiểu rõ những chính sách của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng mới để có hướng nghiên cứu và hợp tác”, PGS Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng nâng tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện mặt trời), nguồn điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, điện địa nhiệt, lưu trữ và nguồn điện linh hoạt, đặc biệt là bổ sung nguồn điện nguyên tử hạt nhân với công suất đạt khoảng từ 6.000 - 6.400 MW, dự kiến vận hành vào giai đoạn 2030 – 2035. Đây là nguồn năng lượng được xác định không chỉ cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mà còn là nguồn năng lượng xanh, sạch giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Dù có nhiều tiềm năng, nhưng việc chuyển đổi sang năng lượng xanh vẫn gặp phải nhiều thách thức. Đầu tiên là vấn đề chi phí đầu tư ban đầu cao cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, những thách thức này không phải là không thể vượt qua, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, cùng với những sáng kiến và chính sách hỗ trợ của các chính phủ và tổ chức quốc tế, sẽ giúp giảm thiểu chi phí và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Bên cạnh đó, việc huy động vốn từ các nhà đầu tư cũng là yếu tố quan trọng trong việc phát triển năng lượng xanh, khi nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nhận ra lợi ích lâu dài từ việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
Diễn đàn Năng lượng Xanh 2025 là cơ hội lớn để các bên liên quan đưa ra những chiến lược và sáng kiến mới, góp phần xây dựng một thế giới phát triển bền vững, nơi năng lượng tái tạo đóng vai trò chủ đạo.