Di sản văn hóa theo đó cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
>>TRÒ CHUYỆN CUỐI NĂM: Tôn trọng di sản để phát triển du lịch
Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang rất phát triển, du lịch sáng tạo trên nền tảng văn hóa được xem như một giải pháp, một hướng đi hữu hiệu để vượt qua được thách thức.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch).
- Việt Nam luôn tự hào về bề dày lịch sử ngàn đời của đất nước với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, vô cùng phong phú, đa dạng và độc đáo. Ông có nhận định ra sao nếu nói rằng, du lịch phát triển chính là nhờ văn hóa, thưa ông?
Thật không sai khi nhận định du lịch phát triển và thu hút mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước chính là nhờ những nét “chấm phá” độc đáo mang bản sắc riêng của văn hoá Việt Nam. Văn hóa là nét đặc trưng, tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, mỗi điểm đến và chính là điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản văn hóa đã, đang và sẽ luôn là nhu cầu, xu hướng của các thị trường khách du lịch.
Cụ thể, Việt Nam ta đã có 24 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, ước tính có hơn 3.000 di sản văn hóa vật thể cấp quốc gia và khoảng 7.500 di sản cấp tỉnh và nhiều công trình di tích vẫn đang được thống kê; hệ thống lễ hội, làng nghề truyền thống; văn hóa ẩm thực của các vùng miền, của các dân tộc; các di sản văn hóa văn nghệ dân gian…
Trong 3 năm liên tiếp (2019-2021), Việt Nam được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới bình chọn là “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”.
Hệ thống lễ hội, làng nghề truyền thống; văn hóa ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, của các dân tộc; các di sản văn hóa - nghệ thuật, văn nghệ dân gian, các bảo tàng lưu giữ các chứng minh giá trị di sản văn hóa dân tộc… Đây là những tài nguyên du lịch hết sức đặc sắc, mang tính đặc trưng văn hóa của Việt Nam, là nguồn lực quan trọng, tạo thế mạnh và sự khác biệt của du lịch Việt Nam.
Với những thành tích và lợi thế vốn có, có thể tự tin nói rằng, văn hóa chính là đòn bẩy và nền tảng để du lịch phát triển, vươn xa. Di sản văn hóa theo đó cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
- Theo ông, cần có giải pháp ra sao để bảo tồn và phát huy bền vững đối với di sản văn hóa trong phát triển du lịch?
Tiềm năng và tài nguyên du lịch văn hóa Việt Nam rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên vẫn chưa được khai thác một cách đúng tầm. Phát triển du lịch ở các khu vực di sản phải tuân thủ nghiêm các quy định chặt chẽ của UNESCO, các quốc gia và địa phương có di sản, trên tinh thần tôn trọng tối đa các giá trị nổi bật toàn cầu, tính nguyên vẹn của di sản.
Một trụ cột quan trọng trong hoạt du lịch di sản bền vững là đảm bảo sự tham gia của người dân địa phương thông qua sinh kế, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương và gia đình của họ. Chỉ khi nào người dân được đặt vào vị trí trung tâm trong phát triển du lịch di sản, được hưởng lợi từ di sản, tham gia vào các hoạt động bảo tồn, khai thác du lịch, trở thành một phần của di sản thì họ mới gắn bó máu thịt và đồng hành cùng với di sản. Sự cân bằng trong vấn đề bảo tồn và phát triển du lịch di sản sẽ bị phá vỡ, nếu lợi ích, sinh kế của cộng đồng địa phương không được đảm bảo.
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch di sản một cách hiệu quả và bền vững ở các khu vực di sản, các nhà quản lý di sản cũng cần phải chú ý đến một số nội dung như: Nghiên cứu, đánh giá các tác động của phát triển du lịch ở từng địa bàn, khu di sản cụ thể để có cách thức tổ chức và khai thác cho phù hợp, tránh những tác động không mong muốn gây tổn hại tới khu di sản.
Với góc độ yếu tố con người, khi xác định hướng đi “văn hóa gắn với du lịch”, người làm du lịch phải có một trình độ nhất định, am hiểu về văn hóa hoặc được đào tạo căn bản về văn hóa nghệ thuật, để có thể tạo được những hiệu ứng từ các hoạt động biểu diễn, lưu lại được những giá trị và ấn tượng văn hóa trong lòng du khách, chứ không chỉ khai thác ánh sáng, âm thanh, mầu sắc đơn thuần...
Điều quan trọng nhất tôi muốn chia sẻ với những con người đầy tâm huyết với du lịch, với văn hoá Việt Nam là hãy thổi hồn văn hoá vào du lịch, hãy khơi dậy và khai thác những di tích lịch sử, những truyền thuyết, những giá trị văn hóa nghệ thuật trở thành những sản phẩm du lịch, chương trình du lịch độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc ta.
- Vậy, ngành Du lịch Việt Nam cần có những đổi mới ra sao để “hút” khách quốc tế, thưa ông?
Để thu hút khách quốc tế, chúng ta cần thực hiện thông thoáng và đột phá hơn về thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đồng thời ngành du lịch đòi hỏi phải đổi mới, đột phá với các sản phẩm du lịch chủ đạo, trong đó bao gồm du lịch văn hoá (ẩm thực và di sản).
Cùng với việc nắm bắt nhu cầu thực tế của khách quốc tế, ngành Du lịch cần thay đổi cách thức quảng bá, xúc tiến du lịch để có thể đưa được nét đặc sắc của văn hóa và di sản đất nước tới các thị trường quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm