Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng: “Chúng ta đang đứng ở giai đoạn rất đặc biệt, trong đó con người mà nhất là trí tuệ con người sẽ đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của đất nước”.
>>Nâng tầm kỹ năng lao động Việt (Bài 2): Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp
Nhấn mạnh quan điểm kỹ năng nghề là chìa khoá để nâng cao năng suất lao động, ông Thiên cho rằng, thời gian tới cách tiếp cận phát triển nguồn nhân lực và chiến lược con người phải tiếp cận mang tính thời đại và có “tính cách mạng”.
-Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, theo ông, trong bối cảnh mới như hiện nay, đại dịch đã tác động như thế nào tới thị trường lao động nói chung và việc nâng tầm kỹ năng lao động nói riêng, thưa ông?
Hiện nay, có 2 vấn đề cần quan tâm khi nhắc tới thị trường lao động và việc nâng tâm kỹ năng lao động là sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 và sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trước tiên, với đại dịch COVID-19, có thể nói, thời điểm hiện tại, ít nhiều Việt Nam đã bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế với số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động và mới thành lập lớn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đại dịch trư ớc đó đã làm xáo trộn cấu trúc lao động. Do đó, thời điểm hiện tại, xuất hiện xu hướng đào tạo và đào tạo lại lao động. Đây là vấn đề cần đặc biệt phải quan tâm bởi chất lượng kỹ năng nghề sẽ quyết định tới sự ổn định cuộc sống sau của người lao động sau đại dịch.
Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều hình thức kinh doanh mới, nghề nghiệp mới sẽ xuất hiện thay thế cho các ngành nghề cũ ví như taxi truyền thống đang dần được thay thế bởi taxi công nghệ, các dịch vụ thương mại điện tử cũng dần thay thế các phương thức bán hàng truyền thống… điều này sẽ khiến thị trường lao động thay đổi và đòi hỏi người lao động phải thay đổi liên tục và không ngừng nâng tầm kỹ năng nghề để liên tục thích ứng với thế giới biến đổi.
-Nhưng, hiện tại, cả nước mới có 25% lao động qua đào tạo nghề. Vì sao vậy, thưa ông?
Nghiên cứu mới đây của ManPowerGroup và Viện Khoa học lao động và Xã hội Việt Nam cho thấy, 94% doanh nghiệp FDI sẽ ứng dụng công nghệ mới trong 3 năm tới, VCCI thì đưa ra con số 48% lao động cần đào tạo lại trong khi 53% doanh nghiệp trong nước không dự báo được kỹ năng tương lai cho lđ của mình. Khảo sát của ADB cho thấy 68% số cơ sở đào tạo ở Việt Nam chưa sẵn sàng với những thay đổi do COVID-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0 đem tới. Đây là thật sự là con số cần phải suy ngẫm.
Nhưng công bằng mà nói, hoạt động đào tạo nghề chưa thích ứng kịp với thị trường lao động. Điều này, một phần là do tâm lý người Việt “trọng thầy hơn trọng thợ”. Do đó, hoạt động và các chính sách dành cho đào tạo nghề dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Cùng với đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ cũng khiến các ngành nghề thay đổi nhanh chóng. Điều này, khiến người lao động cần một khoảng thời gian nhất định mới có thể thích ứng kịp.
-Vậy, theo ông, cần phải làm gì để nâng cao kỹ năng cho người lao động, thưa ông?
Phải thừa nhận kỹ năng lao động còn thiếu hụt nhiều. Phần đa đều lao động phổ thông chưa qua đào tạo hoặc đào tạo thì chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp và sự phát triển.
Do đó, thời gian tới việc đẩy mạnh đào tạo nghề cần phải gắn với chương trình phục hồi kinh tế-xã hội. Các chính sách về đào tạo nghề phải gắn liền với nhu cầu doanh nghiệp và nắm bắt được các xu hướng nghề nghiệp tương lai.
Với người lao động, hiện tại, lao động Việt Nam có 3-4 con đường để nâng cao kỹ năng nghề. Lao động có thể tự học tại nhà trường, học tại nơi làm việc, tự học, hoặc là áp dụng cả 3 hình thức trên để nâng tầm kỹ năng. Thế nhưng, ngay cả khi lao động học xong, ra trường vẫn cần được gắn kết để học tiếp nhằm nâng tầm kỹ năng.
-Được biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng đề án nâng tầm kỹ năng cho lao động. Vậy dưới góc nhìn cá nhân, ông có góp ý gì để đề án này được hoàn thiện hơn?
Chúng ta đang đứng ở giai đoạn rất đặc biệt, trong đó con người mà nhất là trí tuệ con người sẽ đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của đất nước. Cho nên cách tiếp cận phát triển nguồn nhân lực và chiến lược con người phải tiếp cận mang tính thời đại và có “tính cách mạng”.
Cùng với đó, việc đào tạo nghề trong giai đoạn tới phải gắn liền với các trung tâm khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo, gắn với các tập đoàn lớn và hướng tới đào tạo nghề nghiệp sáng tạo.
Nếu định hướng đúng và trúng, chiến lược này sẽ rất quan trọng cho đất nước, làm thay đổi diện mạo, thay đổi đẳng cấp hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Thời gian tới, các chính sách về lao động cũng phải dự báo được cấu trúc nghề nghiệp trong tương lai sẽ thay đổi như thế nào. Cấu trúc nghề nghiệp của thời đại CMCN 4.0 sẽ là gì? Cấu trúc nghề nghiệp của thời đại cũ chưa chắc đã phù hợp với thời đại mới. Do đó, chúng ta phải định vị, nhận diện được cấu trúc nghề nghiệp của thời đại mới…
Công nghệ và kinh tế số đang phát triển chóng mặt đòi hỏi định hướng nghề nghiệp, định hướng phát triển khác hẳn. Sứ mệnh của chiến lược giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới ở Việt Nam là gì? Cơ hội của đất nước, đòi hỏi của đất nước đang đặt ra là gì? Vì sự thay đổi hiện nay là "kinh khủng", "ghê gớm lắm"…
Nếu không chuẩn bị tốt cho tương lai thì chúng ta sẽ là người có tội khiến cho đất nước phát triển chậm lại trong khi thế giới tiến lên.
>>Nâng tầm kỹ năng lao động Việt (Bài 1): Lao động vừa thiếu, vừa yếu
>>Chính sách hỗ trợ người lao động: Phải rút gọn và đơn giản
-Cuối cùng, về dài hạn, để đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước, chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề gì, thưa ông?
Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp phải giải quyết 2 vấn đề: Quy mô và hiện đại hóa.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến cho năng suất lao động thay đổi hoàn toàn khác so với thời kỳ lao động thủ công. Phải cấu trúc lại hệ thống cơ sở đào tạo nghề. Quy mô đào tạo phải gắn liền với chất lượng, với việc làm và với thị thường lao động.
Chúng ta cũng cần lưu ý, việc đẩy mạnh tự chủ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có nghĩa là chỉ quan tâm thu hút người học "có tiền" mà phải quan tâm đặc biệt đến nhóm lao động nghèo. Nhóm lao động này nhà nước phải bao cấp, đầu tư đào tạo.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
04:00, 23/09/2021
15:20, 29/06/2021
21:20, 10/10/2020
17:40, 05/10/2020