Bộ Công Thương luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để phát triển cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh và đoàn kết.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là giữ vững và cao hơn kế hoạch năm 2024, cụ thể như sau: IIP công nghiệp tăng 8,5%; xuất khẩu tăng 6%; tổng sản lượng toàn hệ thống tăng 10,98%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9%. Một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
Một, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ.
Hai, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Triển khai hiệu quả các Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản đã được phê duyệt; Khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch thi hành Luật Điện lực sửa đổi, sớm giải quyết các vướng mắc về thể chế, khơi thông những điểm nghẽn, nút thắt, cải thiện môi trường kinh doanh trong ngành điện.
Ba, đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản, triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới.
Tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh; Khẩn trương đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên liệu; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Bốn, tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Năm, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tiếp tục nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại.
Sáu, phát triển mạnh thương mại nội địa; Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường; Tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá.
Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại... Triển khai Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... nhằm bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng.
Bảy, tiếp tục tăng cường công tác nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới công nghiệp, thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp. Tăng cường cung cấp thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp.
Năm 2025, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình trong nước thách thức nhiều hơn thuận lợi. Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp giải quyết khó khăn vướng mắc, tiếp tục phát triển mãnh mẽ, các giải pháp được Bộ Công Thương phối hợp các Bộ ngành, cơ quan liên quan triển khai bao gồm, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài.
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp việc tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tối ưu hóa các chỉ tiêu công nghệ, định mức tiêu hao tiên tiến xây dựng theo mô hình hợp lý (định mức lao động, định mức tiêu hao vật tư,…) để tiết giảm chi phí sản xuất ở mức hợp lý và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh;
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, doanh nghiệp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Thông tin kịp thời cho các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước…
Thứ tư, tập trung thực hiện các hoạt động kết nối cung – cầu, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu. Vận dụng các kênh đối thoại ngoại giao và thông qua hệ thống các thương vụ tích cực tìm kiếm những cơ hội, đơn hàng mới cho các ngành xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống...
Thứ năm, triển khai công tác xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chủ lực, thị trường lớn; Tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng.
Xây dựng, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo định hướng về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn; Khuyến khích xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh; Đổi mới, chuyển đổi số hoạt động xúc tiến thương mại…
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như: rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh…