Tất nhiên đây chỉ là một không gian kín mô phỏng các điều kiện môi trường giống Sao Hỏa. 4 tình nguyện viên sẽ sống trọn 1 năm ở đây để thử nghiệm và chuẩn bị cho các sứ mệnh tương lai trên Sao Hỏa.
>>Bùng nổ thời trang… NASA
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa bắt đầu cuộc thử nghiệm với 4 tình nguyện viên sống 1 năm tại cơ sở mô phỏng cuộc sống trên Sao Hỏa. Theo đó, các tình nguyện viên sẽ bắt đầu đợt thử nghiệm đầu tiên trong mùa hè này và NASA dự định theo dõi sức khỏe thể chất, tinh thần của họ để tìm hiểu về sức chịu đựng của con người khi bị cô lập trong thời gian dài.
Theo kế hoạch thử nghiệm, các tình nguyện viên sẽ sống trong một khu vực khép kín, rộng 160m2, mang tên "Mars Dune Alpha", nằm ở Houston, ban Texas. Trong này ngoài điều kiện tương tự Sao Hỏa thì còn có một khu vực để thư giãn và một số không gian làm việc.
Thậm chí NASA còn mô phỏng cả việc thông tin liên lạc. Ngoài thực tế, ánh sáng từ Sao Hỏa tới Trái Đất mất 22 phút. Tương tự, thông tin liên lạc từ Mars Dune Alpha ra ngoài cũng bị làm cho trễ 22 phút. Cả đi cả về là 44 phút.
Khi nhân loại hướng tới viễn cảnh thực hiện các sứ mệnh đưa con người tới hành tinh đỏ, việc hiểu được những tác động về thể chất và tâm lý của việc du hành vũ trụ trong thời gian dài trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Và sứ mệnh lần này NASA sẽ tìm cách thu thập dữ liệu có giá trị về sự thích nghi của con người, cũng như những tình huống phát sinh và tương tác giữa người với máy trong môi trường khắc nghiệt.
Đây là một sứ mệnh đột phá nhằm nâng cao hiểu biết của con người về du hành vũ trụ trong thời gian dài và chuẩn bị cho các sứ mệnh của các phi hành gia NASA trong tương lai tới Sao Hỏa.
Phi hành đoàn gồm 4 tình nguyện viên có lý lịch xuất sắc, bao gồm nhà sinh vật học Kelly Haston, kỹ sư kết cấu Ross Brockwell, bác sĩ Nathan Jones và nhà vi trùng học Anca Selariu. Họ phải vượt qua rất nhiều bài kiểm tra giống như các ứng cử viên phi hành gia trước khi được chấp thuận tham gia thử nghiệm.
Trưởng nhóm nghiên cứu thí nghiệm CHAPEA 1 - bà Grace Douglas cho biết: từ các dữ liệu thu thập trong quá trình thử nghiệm, NASA sẽ hiểu rõ hơn "việc sử dụng tài nguyên" của các phi hành gia trên sao Hỏa, qua đó có thể đưa họ trở về nhà an toàn.
Trong quá trình thử nghiệm, các nhà nghiên cứu sẽ thường xuyên kiểm tra phản ứng của phi hành đoàn đối với các tình huống căng thẳng, chẳng hạn như nguồn nước sinh hoạt eo hẹp hoặc hỏng thiết bị.
Thời gian kéo dài của nhiệm vụ đặt ra thêm những thách thức về thể chất và tinh thần cho các tình nguyện viên. Họ sẽ cần theo dõi sức khỏe thể chất, thói quen tập thể dục và dinh dưỡng trong một môi trường hạn chế. Dù vậy, những thành viên trong phi hành đoàn có thể rời đi trong trường hợp khẩn cấp y tế. Thế nhưng, vốn là những người có kinh nghiệm, các phi hành gia hy vọng họ có thể giải quyết các vấn đề nhỏ về sức khỏe một cách độc lập.
Từ góc độ khoa học, dữ liệu thu thập được trong nhiệm vụ của các phi hành gia sẽ góp phần giúp các nhà nghiên cứu hiểu biết về sinh lý, tâm lý con người và khả năng thích ứng trong môi trường khắc nghiệt. Kiến thức này sẽ hỗ trợ phát triển các biện pháp đối phó để giảm thiểu các tác động về thể chất và tâm lý của việc du hành vũ trụ trong thời gian dài. Những phát hiện này cũng sẽ cung cấp thông tin nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trái Đất đối với các nguồn cung cấp thiết yếu.
Hơn nữa, sứ mệnh mang đến cơ hội thử nghiệm và xác nhận các công nghệ và hệ thống quan trọng cho các sứ mệnh Sao Hỏa thành công. Bất kỳ vấn đề nào được xác định và bài học kinh nghiệm trong quá trình mô phỏng sẽ cung cấp thông tin cho việc tinh chỉnh và cải tiến các hệ thống này, tăng độ tin cậy và hiệu quả cho hoạt động khám phá Sao Hỏa trong tương lai. Dự kiến nhiệm vụ của Phi hành đoàn CHAPEA 1 kết thúc vào tháng 7 năm sau.
Có thể bạn quan tâm