TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần làm nổi bật tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ngân hàng thương mại như cho phép xoá nợ. Cách thức này là cần thiết để làm sạch bảng cân đối tài sản.
>>Cần sớm mở cánh cửa thị trường mua bán nợ xấu
Theo TS. Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về các quy định của xử lý nợ xấu, chúng ta không thiếu quy định nhưng cần có quy định đặc biệt, đặc thù và cần cơ chế gia tăng hiệu quả xử lý vấn đề.
Các chuyên gia cũng cần làm rõ bản chất xử lý nợ xấu, đó là xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho các khoản nợ, nhưng không nên giới hạn ở chỉ mỗi bất động sản mà phải mở rộng hơn nữa.
“Tôi mong muốn rằng luật sẽ tính đến lợi ích chủ nợ, người vay nợ, tránh tình trạng bảo vệ chủ nợ nhưng ảnh hưởng đến người đi vay nợ, điều này cần lý giải đầy đủ. Cần tính toán tránh việc lạm dụng các quy định xử lý nợ xấu, tránh nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên tính toán tạo ra lợi ích công bằng.
Về thông tin, các kiến nghị nên lý giải về vấn đề thu giữ tài sản, nên phân tích sự cần thiết của quy định đặc biệt, đặc thù. Phương hướng hoàn thiện, mong vấn đề xử lý nợ xấu hướng đến hình thành thị trường, cần có quy định tạo ra thị trường trong dự thảo luật”, ông Hiếu đề nghị.
Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Nam Á đã đưa ra một số ý kiến như: Thứ nhất, đối với luật xử lý nợ xấu cần mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, không chỉ dừng lại ở các khoản nợ xấu mà áp dụng cho cả các khoản nợ Nhóm 2, nhưng thuộc trường hợp phải thu hồi nợ trước hạn nhằm giảm rủi ro cho TCTD.
Thứ hai, quy định thêm về việc không dừng/hoãn thi hành án đối với việc thi hành án khoản nợ của TCTD mà có tài sản đang thi hành là đối tượng của tranh chấp phát sinh mới với chủ thể khác, nếu Bản án/Quyết định của Tòa án đang được thi hành có thể hiện nội dung Tòa án đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ trước khi đưa vụ án ra xét xử hoặc hòa giải.
Thứ ba, sửa đổi lại nội dung hoàn trả tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự theo hướng hoàn trả ngay cho TCTD sau khi đã hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và lược bỏ nội dung phải xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.
Thứ tư, cụ thể hóa trong Dự thảo các biện pháp xử lý nợ và trình tự thủ tục thực hiện, cần hướng dẫn thêm việc thực hiện biện pháp nhận chính TSBĐ để thay thế nghĩa vụ trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp... để TCTD được chủ động lựa chọn cách thức thực hiện và phương thức xử lý.
Thứ năm, giữ nguyên quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ theo Nghị quyết 42, theo đó, số tiền thu được từ xử lý của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.
Thứ sáu, không cần thiết phải thỏa thuận thêm quyền thu giữ tài sản trong hợp đồng bảo đảm, bởi quyền xử lý TSBĐ bao hàm cả quyền thu giữ tài sản, việc thu giữ tài sản là một trong các bước để xử lý TSBĐ.
Thứ bảy, cân nhắc bỏ ràng buộc về thời hạn 3 năm phải xử lý tài sản được TCTD nắm giữ do xử lý nợ vay, vì thực tế việc nhận TSBĐ để thay thế nghĩa vụ được bảo đảm hoặc nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án bản chất không phải là hoạt động kinh doanh của TCTD.
Thứ tám, cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, khi hỗ trợ ngân hàng trong quá trình thực hiện thủ tục thu giữ và khi tiến hành thu giữ TSĐB như UBND, Công an…
>>“Xoa dịu” nỗi lo nợ xấu
Có thể thấy, TSBĐ là vấn đề được thảo luận rất nhiều và được xem như yếu tố mấu chốt trong việc xử lý nợ xấu. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính cũng đề nghị, thu giữ TSBĐ không cần có sự đồng thuận của chủ TSBĐ, nhưng ngân hàng phải thông báo cho chủ tài sản biết.
Luật nên có quy định rõ ràng, giao ngân hàng thương mại tự chủ trong thu giữ, phát mại TSBĐ. Khi phát mại tài sản bảo đảm cũng không cần có đồng thuận của chủ tài sản nhưng phải thông báo cho họ biết. Tuỳ từng trường hợp, phải có thoả thuận giữa NHTM và chủ tài sản. Cũng cần có thêm quy định thu hồi và xử lý TSBĐ trong bao lâu, không phải NHTM thu hồi rồi “ngâm” đấy đợi giá lên mới xử lý.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, chúng ta cần làm nổi bật tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các NHTM như cho phép xoá nợ. Thậm chí, hiện nay xoá nợ phải xin ý kiến NHNN và Chính phủ trong khi đây là việc bình thường của các ngân hàng nếu họ có đủ khả năng. Xoá nợ là cần thiết để làm sạch bảng cân đối tài sản.
“Tôi đồng ý với việc mở cửa thị trường nợ, cần có quy định về phát triển thị trường nợ, NHTM là người chơi có tính chất khởi động nhưng phải có tính cầu thị. Các nước bán nợ xấu chỉ được vài chục phần trăm giá trị sổ sách. Các NHTM ở ta thì đòi cả gốc và lãi trong hạn nên thị trường không phát triển được.
Chính vì vậy, đề nghị quy định tăng quyền tự chủ của ngân hàng thương mại, tăng khả năng dùng biện pháp để tiếp cận thị trường mua bán nợ. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có thể thành lập công ty mua bán nợ. Các luật chồng chéo với Luật các TCTD là vô số.
Nhiều trường hợp, bố mẹ ký tài sản đảm bảo nhưng con cái không ký. Khi thu giữ tài sản, luật sư bảo chia tài sản thành 6 phần, 2 phần cho bố mẹ, thì đương nhiên NHTM chỉ có thể ra về. Do đó, nên có quy định chủ hộ bao phủ cả con cái. Hay chuyện chữ ký giả. Con giả mạo chữ ký cha mẹ, lúc ngân hàng tới đòi mới phát hiện ra, khiến hợp đồng tín dụng vô hiệu, ngân hàng mất trắng khoản nợ...”, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 17/05/2023
03:24, 15/05/2023
05:00, 30/04/2023