Chính phủ luôn khuyến khích phát triển và có chủ trương khôi phục làng nghề truyền thống theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP.
Tuy nhiên, các làng nghề hiện nay vẫn chưa có những chính sách ưu đãi thiết thực để tạo điều kiện phát triển.
Thực tế, các làng nghề hiện nay đối mặt nhiều khó khăn, yếu kém như chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn kém sức cạnh tranh; thị trường hạn hẹp;…Nếu cứ để các hộ gia đình, các doanh nghiệp tự sản xuất và bươn chải trước sự phát triển và đổi thay như vũ bão của nền kinh tế thị trường thì rồi đây cũng sẽ mai một.
Tại tỉnh Hải Dương có làng nghề sản xuất bánh đậu xanh. Tuy các công ty đều đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã nhưng khâu sản xuất hiện nay vẫn còn 30 đến 40% bắt buộc phải làm thủ công. Do đó, làng nghề luôn cần hàng ngàn, hàng vạn lao động mang tính chất thời vụ. Bài toán phải làm sao giữ chân được các lao động này gắn bó với doanh nghiệp khi mà các loại thuế, phí cũng như bảo hiểm ngày càng tăng cao? Doanh nghiệp cũng rất muốn được chia sẻ lợi ích với người lao động để họ cùng chúng tôi gắn bó gìn giữ và phát triển làng nghề.
Theo tôi, để khuyến khích và tạo động lực cho các làng nghề truyền thống thì cần cụ thể và đi vào thực tiễn hiện nay như việc xem xét ưu đãi giảm các loại thuế đối với làng nghề sản xuất. Rõ ràng nếu có cơ chế riêng về thuế làng nghề chính là cú hích lớn khuyến khích sự đầu tư, phát triển tốt nhất. Các hỗ trợ khác chỉ là phi thực tiễn và chắc gì đã đến được với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất khi mà làng nghề nào cũng đang đi xuống như hiện nay.
Làng nghề truyền thống Việt Nam không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập mà còn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Nếu làng nghề mất đi là chúng ta mất văn hóa. Bởi vậy, việc gìn giữ giá trị của văn hóa làng nghề là góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cả dân tộc. Mặt khác, làng nghề còn là cơ hội để hội nhập quốc tế.