Nên dừng công trình "cải cách" tiếng Việt

Trương Khắc Trà 04/09/2018 11:01

Công trình của PGS Bùi Hiền giống như… đập đi xây lại, phá vỡ kết cấu vốn có được chấp nhận nhiều thế kỷ nay.

Cả thế giới biết đến Afred Nobel như một anh hùng và cả tội đồ, ông là người phát minh ra thuốc nổ dynamite, thành tựu này đưa Nobel trở thành triệu phú vì sức mạnh của thuốc nổ được ứng dụng rộng rãi thay cho sức người.

Dĩ nhiên, cả sự chết chóc mang đến từ thuốc nổ, súng ống, bom đạn, vũ khí giết người hàng loạt. Nhà khoa học danh tiếng này sống quãng đời còn lại trong day dứt vì chính bản thân mình đã góp phần vào những cuộc chiến tranh nên ông đã quyết định dành phần lớn tài sản của mình vào việc thành lập các giải thưởng Nobel.

Ở Việt Nam, sẽ ra sao nếu công trình cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS Bùi Hiền được chấp thuận áp dụng rộng rãi? Nếu dư luận và giới chuyên môn tìm thấy cái lợi hơn hại thì tác giả có lẽ sánh ngang hàng cha đẻ tiếng Việt – Alexsander Rhodes!

Rất khó tìm thấy sự đồng thuận với công trình cải cách tiếng Việt

Rất khó tìm thấy sự đồng thuận với công trình cải cách tiếng Việt

Thật khó tìm thấy sự ủng hộ nào với công trình cải tiến khiến toàn dân “méo miệng”, tất cả bỗng dưng trở nên mù chữ vì lối viết, cách nói quay ngược một trăm tám mươi độ.

Mà theo GS Trần Đình Sử: “Toàn bộ giấy tờ công văn, luật pháp, nghị quyết... đều phải viết lại theo chữ mới. Muốn làm được việc đó lại phải tốn kém không biết bao nhiêu là tiền. Lại phải viết lại toàn bộ sách giáo khoa, các văn kiện theo chữ mới, cả nước đều phải làm chứng minh thư, hộ khẩu mới, khắc dấu lại, các sứ quán Việt Nam trên thế giới phải thay đổi chữ viết…”.

Có thể bạn quan tâm

  • Người Việt có phải học lại Tiếng Việt “kiểu mới”?!

    11:00, 30/08/2018

  • Đừng làm mất đi tinh hoa của Tiếng Việt

    05:07, 29/11/2017

  • Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mọi người Việt Nam

    10:41, 06/11/2016

Mọi thứ rối tung rối mù nếu chữ viết bị thay đổi, nếu sự việc xảy ra như GS Trần Đình Sử dự đoán thì PGS Hiền có cảm thấy... ăn năn? Mà chắc chắn cho đến hết quãng đời của ông và nhiều chục năm sau nữa chưa chắc Việt Nam phổ biến xong đề cải tiến này.

Những gì cần phản biện, Hội đồng khoa học - Viện ngôn ngữ học đã có hội thảo mở rộng đưa ra kết luận khá chi tiết, đậm đặc tính chuyên môn, tác giả công trình cải tiến có lẽ cần tham khảo thêm.

Chưa bàn đến những ký tự “c”, “k” và “q”; đặt âm vị /y/ trong đối lập với /i/ ; hay biến thể chữ viết “ti”~ “ty”; hoặc âm tố, âm vị, ngữ âm học, âm vị học,... công  trình của ông Hiền có lỗi ngay trong khái niệm đề dẫn.

Bắt đầu là động từ “cải tiến”, bản thân khái niệm này mô tả quá trình đơn giản hóa nhưng tăng tính ứng dụng của sự vật hiện tượng, có tính chất phù hợp với điều không gian lẫn thời gian, tạo ra giá trị mới.

Xét trong khuôn khổ cải cách tiếng Việt, người ta chưa tìm thấy tính ứng dụng nào cao hơn tiếng Việt hiện hành, cụ thể là phát âm khó hơn, cách viết hoàn toàn khác, không phù hợp với ngữ cảnh hiện tại, tức là người dùng chưa thấy bất cập quá lớn đến mức cần cuộc cách mạng về ngôn ngữ.

Động tác “cải cách” chữ viết của PGS Bùi Hiền có phần khiên cưỡng. Sự hình thành và phát triển để đạt đến trạng thái “chấp nhận được” của ngôn ngữ và chữ viết là quá trình lâu dài.

Chữ Quốc ngữ được hình thành trong khuynh hướng chung của các giáo sĩ Tây Phương muốn Latin hóa các chữ Á Đông nhằm thuận lợi cho quá trình truyền giáo. Xây dựng chữ Quốc ngữ là một quá trình lâu dài, với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, trong đó có Việt Nam.

Cách đây nhiều thế kỷ đã xuất hiện cuốn từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin, như vậy với sự ra đời của cuốn từ điển, chữ Quốc ngữ chính thức được chấp nhận rộng rãi, và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.

Tiếng Việt ngày nay không phải đã hoàn thiện tuyệt đối, ví dụ như cách phát âm mang tính chất vùng miền, cách phiên âm tên quốc tế vẫn chưa thống nhất, vẫn còn “vay mượn”.

Thế nhưng quá trình hoàn thiện tiếng nói và chữ viết phải song hành với hoạt động thực tiễn, cụ thể hơn là khi gặp rắc rối trong việc thể hiện “nghĩa” của “từ”, hoặc “lệch pha” so với các khái niệm mang tính toàn cầu khi dịch thuật.

Công trình của PGS Bùi Hiền giống như… đập đi xây lại, phá vỡ kết cấu vốn có được chấp nhận nhiều thế kỷ nay. Tiếp tục hoàn thiện chữ Quốc ngữ là việc cần làm, nhưng rất khó theo con đường “nói khác đi”, “viết khác đi”.

Cải tạo chữ viết phải đi từ “trong” ra “ngoài” vì “ngôn ngữ là vỏ bọc của tư duy”, trong khi đó chữ viết là ký hiệu ghi lại ngôn ngữ. Vì thế một khi não bộ chưa “chấp nhận” kiểu viết và nói mới toanh thì rất khó miễn cưỡng!

Công trình của PGS Bùi Hiền giống như từ trên trời rơi xuống vì ít mang giá trị thực tế, mà nói như GS Trần Đình Sử: “một đề xuất mang tính hủy hoại văn hóa”, phá nhiều hơn xây.

Mặc dù vậy, trước sau vẫn thống nhất quan điểm tự do sáng tạo, không sao cả nếu công trình của ông Hiền chỉ thuần túy khoa học, là sở thích là đam mê cá nhân không làm ảnh hưởng đến xã hội.

Tôi là một công dân Việt Nam, sinh ra và lớn lên được trang bị tiếng Việt để giao tiếp, tôi quá quen với cách viết và cách phát âm được truyền lại, vì vậy không có lý do gì để tôi cảm thấy mến một thứ ngôn ngữ “lạ” làm hao tiền tốn của, mất công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nên dừng công trình "cải cách" tiếng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO