Trong kí ức những người già 70 tuổi trở lên ở miền Trung Trung bộ này không thể nào quên trận “đại hồng thuỷ” năm Giáp Thìn tháng 10/1964 âm lịch!
Chỉ tính riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín (giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi hiện nay), theo thống kê của chế độ cũ về số người chết gần 7.000 nghìn người; Quảng Nam hơn 4.000 người, Quảng Ngãi hơn 1.000 người. Đặc biệt như làng Đông An, huyện Quế Sơn (giờ là Nông Sơn) tỉnh Quảng Nam có 1.750 nhân khẩu, sau lụt chỉ còn 19 người sống sót!
Có thể bạn quan tâm
15:14, 17/02/2019
15:21, 20/02/2019
16:44, 18/02/2019
18:10, 17/02/2019
17:19, 17/02/2019
Học trò tiểu học miền Trung như chúng tôi thời đó đều thuộc lòng bài thơ “Thảm nạn quê hương” - tác giả Tường Linh mô tả nỗi kinh hoàng của miền Trung từ trận lụt này!
Trận lụt cao điểm từ 4 đến 6/10 âm lịch (7 đến 9/11/1964) chỉ 3 ngày mà trời già đã hầu như xoá sạch thành quả trăm đời cha ông để lại!
Sau lũ lụt độ 10 ngày tôi mang mấy mét nilon, ít bột ngọt, mấy cặp pin radio và vài thứ khác thím tôi bảo tôi đem tiếp tế cho chú ruột Phạm Hướng đang hoạt đông bí mật ngoài Hố Bà Năm gần suối Cà La, phía tây xã Hành Dũng (Quảng Ngãi). Tôi đi từ sáng sớm mãi đến gần trưa mới gặp chú Hướng, chú dẫn tôi băng qua mấy con suối tới vạt rừng tôi nghe mùi xác chết còn lan trong gió thoảng ghê người!
Chú kể tôi nghe sự may mắn của chú và mấy anh đội công tác địa phương! Còn mùi hôi phảng phất là thân thể của cả một đại đội chủ lực tối ngày 6/10 âm lịch nằm trú dọc bờ suối khoảng 9-10 giờ bị lở núi, lở đá vùi giập cuốn trôi chết tất cả xác thân không ai còn nguyên vẹn!
Sau khi nước rút, chú Phạm Hướng và đồng đội địa phương vận động thêm bà con cơ sở hốt đất cát phủ lên những thi thể không thể nhận diện rất thương tâm rãi rác cả một vùng núi trũng tràn tận đập Đông - Thắt Lang - Kim Thành, chỉ có 2 thi thể trôi vào sông Văn mấy ngày sau lụt, cơ sở cách mạng làng Kim Thành bí mật chôn giấu mà thôi!
Chiến tranh ngày càng ác liệt, càng siết vây ven đô thị, làng quê tản cư cầu an, cầu thực sinh tồn! Chúng tôi tứ tán trăm miền ngàn phận tha hương!
Hoà bình trở về! Mừng chưa kịp, mừng thì lao vào cơm áo lo toan chồng chất khổ nghèo... những vạt rừng con suối ấy mù sương quá vãng! Dăm bảy năm nay, tình hình đời sống riêng chung có khá hơn và nhà nước “đền ơn đáp nghĩa” tốt hơn và chắc chắn sự “vô tình quên” cũng vẫn còn không ít.
Một số anh chị lớn tuổi tham gia đội công tác, một số người già biết việc ở quê họ nói với tôi hình như đại đội chủ lực hi sinh tập thể trong lụt Giáp Thìn đã bị vô tình quên đến 55 năm rồi!
Những vạt rừng và những con suối đó hiện nay bạt ngàn keo lá tràm phủ lấp! Nông dân quê tôi giành đất trồng rừng! Không hề có một tấm bia, một bát nhang khói nào cho đại đội đó trên vùng đất đó! Chắc chắn rằng 74 bộ đội đó đã được cấp bằng liệt sĩ mà gia đình của họ ko biết họ chết thế nào, ở đâu thời gian cụ thể.
Chú Phạm Hướng và đội công tác Hành Dũng thời đó không ai còn nữa! 55 năm rồi xa thật! Chắp nối các manh mối tôi xin thông báo rất chân thành vài chi tiết cho các gia đình liệt sĩ được biết:
ĐẠI ĐỘI 4 hoả lực thuộc TIỂU ĐOÀN 83 có 76 người.
HI SINH 74 người , lúc 9-10 giờ tối ngày 6/10 âm lịch năm Giáp Thìn 1964 do lũ lụt sạt lở núi vùi lấp và cuốn trôi tại vùng Suối CÀ LA ngoài hố Bà Năm, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Nam.
Chiều 5/10 âm lịch, anh đại đội phó và một chiến sĩ ra Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa lấy củ mì đồng bào cho mưa to về không kịp nên thoát chết, hiện một người còn sống ở thành phố Quảng Ngãi, già yếu bệnh nặng!
Đề nghị các cấp chính quyền, chính sách hữu quan quan tâm giải quyết!
Xin thắp nén tâm hương thành kính mong các anh siêu linh về miền cực lạc!