Nếu visa "từ chối" khách giàu, nhiều ngành sẽ gặp thảm họa

Thảo Phương 19/04/2018 15:56

“Nếu giảm số nước được miễn visa sẽ là một bước lùi về chính sách visa của Việt Nam, chắc chắn năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ giảm sút”

Đó là nhận xét của ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) trong cuộc trò chuyện với chúng tôi quanh nút thắt visa của du lịch Việt Nam.

Du khách quốc tế hào hứng trải nghiệm tại thế giới giải trí Sun World Bà Nà Hills

Du khách quốc tế hào hứng trải nghiệm tại thế giới giải trí Sun World Bà Nà Hills

-Việt Nam đã có những chính sách thí điểm về miễn thị thực đối với một số thị trường trọng điểm. Theo ông, những chính sách này đã đạt được những gì và có gì cần khắc phục?

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam năm 2017 đứng thứ 67/136 quốc gia. Trong đó, yêu cầu về visa ở một trong hai mức thấp nhất với thứ hạng 116/136 quốc gia.
Thực ra lâu nay, chúng ta đã nói nhiều về sự cần thiết của việc miễn visa rồi. Thậm chí trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rồi Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017… cũng đã nêu vấn đề này rồi, nhưng thực tế chính sách visa vẫn chưa được cải thiện là bao.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân ngày 31/7/2017, TAB cũng đã đề xuất cần cải thiện chính sách visa nhưng từ đó đến nay mới có 2 cải thiện nhỏ là có thêm 6 nước được áp dụng visa điện tử và Chile được miễn thị thực nhập cảnh. Trong khi đó, 5 nước là thị trường nguồn của ngành du lịch Việt Nam tại châu Âu sẽ lại hết thời hạn miễn thực vào ngày 30/6 tới, nhưng phản hồi từ Bộ Ngoại giao và Bộ Công an vẫn là nên hạn chế số nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.

-Nếu không tiếp tục tháo gỡ về visa, tương lai du lịch Việt Nam sẽ như thế nào, thưa ông?

Thẳng thắn mà nói, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu nhưng rõ ràng đó không phải là những nguy cơ cao nhất khiến năng lực cạnh tranh của ngành bị xếp ở thứ hạng thấp. Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam cũng đã có những thay đổi và hoàn thiện mình mà không chỉ trông chờ vào chính sách visa. Số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong hai năm vừa qua vẫn liên tục tăng trưởng. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chưa có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ các thị trường khách du lịch chi trả cao.

Nếu không cải thiện thì chính sách visa vẫn sẽ tiếp tục gây ra ảnh hưởng lớn tới thị trường du lịch. Dưới góc độ của du khách, với nhiều người, việc miễn visa ngoài giúp tiết kiệm chi phí du lịch còn là yếu tố thuận tiện và bảo mật được thông tin cá nhân. Đó là chưa kể những “nhiêu khê” trong quá trình chờ đợi xin visa sẽ khiến nhiều khách không còn hào hứng nữa. Với những người đi du lịch là những nhà đầu tư tiềm năng cho Việt Nam, họ quyết định đến Việt Nam khi nhìn thấy cơ hội chỉ trong vòng 1-2 ngày, thậm chí 1-2 giờ, họ đến và đi rất nhiều lần để khảo sát, thì việc chờ đợi sẽ mất cơ hội của họ, chúng ta sẽ mất cơ hội đón những nhà đầu tư trong tương lai.

Nếu giảm số nước được miễn visa sẽ là một bước lùi về chính sách visa của Việt Nam, chắc chắn năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ giảm sút. Nếu chính sách visa lại hạn chế với những quốc gia có nhiều khách chi trả cao thì ngành du lịch, ngành hàng không và những người đang gián tiếp hưởng lợi từ sự phát triển của ngành du lịch sẽ càng gặp “thảm họa”.

Cùng với việc giảm khách chi trả cao là nguy cơ nước ta sẽ tràn ngập những khách chi trả thấp. Khi đó, các nhà nhà đầu tư trong du lịch sẽ cảm thấy thất vọng, họ không tiếp tục cải thiện hạ tầng du lịch, không nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nữa. Có thể thấy, chính sách miễn visa vẫn luôn là một đòn bẩy cho du lịch phát triển, nó không thể được thay thế bởi chính sách visa khác như e-visa hay cấp visa tại cửa khẩu…

-Vậy theo ông, vấn đề thị thực của chúng ta còn vướng mắc ở đâu? Cơ quan nào có thể đứng ra giải quyết thấu đáo vấn đề này?

Có thể thấy một nghịch lý là chúng ta muốn đẩy mạnh xuất khẩu nhưng các nước thường đưa ra hàng rào thuế, hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng hóa của Việt Nam. Trong khi du lịch là chúng ta xuất khẩu tại chỗ. Nếu có rào cản nào với hoạt động xuất khẩu đặc biệt này thì chính là chính sách visa do chính chúng ta đưa ra. Chúng ta muốn tăng trưởng khách du lịch mà lại dùng rào cản để hạn chế mình thì có nên không?

TAB đã đưa ra một số vấn đề cải thiện chính sách visa. Chúng tôi cho rằng, bản chất chính sách thị thực là ngăn ngừa các phần tử không tốt đến quốc gia nào đó, nên cũng phải xem công dân quốc gia được miễn thị thực có gây ra những bất lợi về an ninh, xã hội… hay không. Việc lựa chọn danh sách rất cần thiết. Nhưng có một số vấn đề chúng tôi cho rằng không khó để giải quyết, lợi ích rõ ràng nhưng không hiểu sao vẫn không có cơ quan nào đứng ra giải quyết. Trong hội nghị đối thoại doanh nghiệp do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì ngày 4/12/2017, TAB tiếp tục đưa ra vấn đề cải thiện visa. Lúc đó, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhìn thấy những bất hợp lý trong visa của chúng ta và đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Ngoại giao rồi Bộ Công an nhưng không Bộ nào đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Như vậy, dường như vấn đề visa không có Bộ nào chủ quản để giải quyết thấu đáo và không biết đến bao giờ mới giải quyết được. Tôi cho rằng, để thực hiện tốt chính sách visa, đem lại lợi ích cho đất nước cần phải có một cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, tìm hiểu, lắng nghe ý kiến các bên và giải quyết vấn đề này.

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nếu visa "từ chối" khách giàu, nhiều ngành sẽ gặp thảm họa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO