Mối quan hệ ấm lên gần đây giữa Triều Tiên và Mỹ cũng như quan hệ liên Triều không chỉ là một cuộc cách mạng đang diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên.
Mối quan hệ ấm lên gần đây giữa Triều Tiên và nước thù địch thời chiến – Mỹ, hay sự hòa giải với nước láng giềng phía Nam – Hàn Quốc không chỉ là một cuộc cách mạng, một sự thay đổi lớn đang diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên. Điều đó khiến các nước bắt đầu một “cuộc đua” giành ảnh hưởng với Triều Tiên, trong đó có cả Trung Quốc và Nga.
Bất chấp mối quan hệ có đôi chút căng thẳng trong những năm gần đây, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Trung Quốc 3 lần trong vòng 3 tháng qua để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh từ ngày 19-20/6. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại đang ở Nga và sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin ngày 22/6.
Ông John Ross, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chongyang thuộc đại học Nhân dân, Trung Quốc đã phân tích với Sputnik về những động cơ địa chính trị đằng sau các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa các nước láng giềng này.
Quan hệ Trung-Triều
Trọng tâm của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện nay là muốn cải thiện và thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Đây có thể là một kịch bản đôi bên cùng có lợi cho cả Triều Tiên và Trung Quốc – nước đang ở trong quá trình cách mạng hóa thương mại ở châu Á với sáng kiến Vành đai và Con đường của mình.
“Mối liên kết lịch sử rất mạnh mẽ giữa Triều Tiên và Trung Quốc vốn có rất nhiều yếu tố trong đó”, ông Ross giải thích. Mắc kẹt ở vị trí khó khăn, Triều Tiên đã từng phải đấu tranh hàng thế kỷ chống Trung Quốc và Nhật Bản để giành độc lập.
“Ý thức hệ chính thức của Triều Tiên là Juche (tự lực cánh sinh), nhưng thực tế, Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc và điều đó chắc chắn cho Bình Nhưỡng một cơ chế thảo luận còn vượt xa hơn mối quan hệ đơn thuần giữa các quốc gia với Bắc Kinh. Sự khác biệt lớn nhất, tất nhiên, là về chính sách kinh tế”, ông Ross nói.
“Nói thẳng ra, Trung Quốc đã có một chính sách kinh tế thành công còn Triều Tiên thì không được như vậy”, ông Ross cho biết thêm.
Ông Ross nói rằng, Trung Quốc sẽ hài lòng nếu Triều Tiên có các chính sách kinh tế tương đồng như của mình, tức là ngày càng gia tăng lĩnh vực tư nhân cũng như các mối quan hệ thương mại quốc tế.
Nga chuyển hướng ngoại giao
Trước khi lên đường tới Nga, ngày 20/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất một dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Triều Tiên tới Hàn Quốc, thậm chí là tới cả Nhật Bản sau khi quan hệ ngoại giao với Triều Tiên được cải thiện. Ông cũng nhấn mạnh, việc khôi phục đường sắt liên Triều và kết nối với tuyến đường sắt xuyên Siberia sẽ tạo điều kiện cho vận tải đường bộ từ Hàn Quốc sang châu Âu. Điều này sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Hàn Quốc và Nga.
Ông Moon Jae-in đã gặp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 21/6 và sẽ gặp Tổng thống Putin trong ngày 22/6. Trong khi đó, ông Putin cũng đã gửi lời mời Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Moscow, sau thành công của Thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 tại Singapore.
Theo ông Ross, Nga có lợi ích khi chuyển hướng các mối quan hệ ngoại giao trong khu vực. “Trong khi biên giới chính của Triều Tiên là với Trung Quốc, họ cũng có đường biên giới với Nga. Và thành thực mà nói, ít người có thể tin rằng Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn tới Triều Tên - viễn cảnh mà một số người ở Mỹ đang thúc đẩy. Nhưng, nếu có sự thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên, thì cơ bản khi đó Hàn Quốc sẽ là nước có ảnh hưởng tới Triều Tiên.
Phân tích kỹ về các lợi ích địa chính trị tiềm năng của Nga, ông Ross nói: “Tôi không thể tin Nga sẽ để yên về việc Mỹ sẽ tới Triều Tiên – nước có đường biên giới với Nga ở phía Đông”.
Ông cũng nhận định, Hàn Quốc sẽ không chia rẽ với Mỹ, vì dù thế nào thì Mỹ vẫn đang đảm bảo an ninh cho nước này. Lợi ích kinh tế của Hàn Quốc giờ đây có tầm quan trọng với Trung Quốc hơn là với Mỹ. Nếu Triều Tiên có thể hướng tới các chính sách “nhạy cảm hơn”, mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, thì Hàn Quốc cũng sẽ có lợi./.