Ngậm ngùi giá sách giáo khoa mới

SÔNG HÀN 03/05/2022 05:00

Vì sao không còn sự độc quyền trong phát hành nhưng giá sách giáo khoa vẫn cao?

>>Bài học xương máu từ sự cố xã hội hóa sách giáo khoa

Sách giáo khoa mới lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam - Ảnh: NXB GDVN

Sách giáo khoa mới lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam - Ảnh: NXB GDVN

Câu chuyện sách giáo khoa mới đến nay vẫn chưa thôi làm nóng dư luận khi những hạt sạn vẫn tồn tại âm ỉ. Từ sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic và chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam dẫn tới giáo viên phải vừa dạy và vừa điều chỉnh, cho đến giá cả.

Đáng chú ý là giá sách giáo mới được cho là khá cao. Đến thời điểm này, dư luận vẫn đặt câu hỏi: Vì sao không còn sự độc quyền trong phát hành nhưng giá sách giáo khoa vẫn cao?

Theo đó, bộ sách giáo khoa cũ lớp 2 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành có giá 53.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, bộ sách giáo khoa lớp 2 mới lại có giá từ 179.000 - 203.000 đồng/bộ; Sách lớp 6 cũ có giá là 99.000 đồng, sách giáo khoa mới lớp 6 từ 234.000 - 259.000 đồng/bộ; cao gấp 3-4 lần sách giáo khoa cũ.

Tương tự, bộ sách giáo khoa lớp 3 chương trình 2006 (chưa bao gồm sách tiếng Anh) chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ thì giá sách lớp 3 mới công bố là gần 210.000 đồng/bộ (cao hơn 300%). Giá bộ sách giáo khoa lớp 7 chương trình 2006 (chưa bao gồm sách tiếng Anh có giá bìa là gần 120.000 đồng/bộ. Trong khi bộ sách giáo khoa mới cũng chưa bao gồm sách tiếng Anh là gần 210.000 đồng/bộ.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giáo dục lý giải rằng: “Khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ. Cùng với đó, số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (từ 10-13 cuốn) cao hơn số lượng cuốn sách trong bộ sách giáo khoa cũ (6-11 cuốn), số lượng màu in nhiều hơn (sách cũ 2-4 màu, sách mới tất cả 4 màu), khổ sách rộng hơn (sách cũ 14cmx24cm, sách mới 19cmx26.5cm).”

Còn Bộ Tài chính thì cho rằng: “Do thực hiện xã hội hóa nên một số chi phí như chi phí bản thảo, chi phí nhuận bút lần đầu... không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Vì vậy việc so sánh giá sách cũ với sách mới chưa thực sự tương đồng”.

Bảng giá sách giáo khoa lớp 3 của bộ Chân trời sáng tạo.

Bảng giá sách giáo khoa lớp 3 của bộ Chân trời sáng tạo.

>>Chờ một bộ Sách giáo khoa “sạch”

>>Chuyện sách giáo khoa lớp 1: Sao cứ mãi "nhặt sạn”?

Thật ra, sách giáo khoa giá cao, sử dụng một lần… không phải là vấn đề mới, khi mà những năm vừa qua, một số loại sách giáo khoa chỉ được sử dụng một lần rồi bỏ, gây lãng phí của phụ huynh sau mỗi năm học đã được báo chí phản đối nhiều lần. Và, hiện nay thì một số loại sách như Tiếng Anh, Tin học ở cấp Trung học cơ sở vẫn đang là những loại sách chỉ sử dụng một lần rồi thôi.

Điều đáng nói là những sách giáo khoa sử dụng 1 lần lại là những loại sách có giá cao hơn các cuốn sách còn lại. Chẳng hạn, sách môn Tiếng Anh, Tin học ở cấp Trung học cơ sở hiện nay có giá cao hơn nhiều so với mười môn học còn lại nhưng học sinh không thể tận dụng được vào những năm học sau.

Thậm chí, mấy năm gần đây thì các nhà xuất bản cũng đều có dòng chữ khuyến cáo ngay ở những trang bìa sách giáo khoa: "Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau" để giáo dục học sinh giữ gìn các bộ sách giáo khoa của mình.

Đến nỗi, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã từng nhấn mạnh: “Sẽ không có chuyện sách giáo khoa dùng một năm rồi bỏ đi. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục quán triệt điều này”

Nhưng, như nhiều phản ánh từ dư luận, sách giáo khoa mới vẫn xảy ra tình trạng dùng một lần là phải bỏ. Có những bài học vẫn trình bày như một cuốn vở bài tập. Vì thế, học sinh khi học sẽ làm trực tiếp vào sách. Nhiều thầy cô giáo yêu cầu học sinh ghi viết chì để có thể cho lớp sau dùng lại.

Tuy nhiên, có phụ huynh nói sách là do mình mua nên con cái họ có quyền ghi thẳng vào đó. Vậy là, cuốn sách giáo khoa vài chục ngàn các em cũng chỉ có thể học được một năm là bỏ.

Nhiều cuốn sách mới học được vài tuần đầu đã xảy ra hiện tượng bong tróc. Nhiều bài học lại được thiết kế như vở bài tập nên học sinh có thể làm bài trực tiếp vào sách. Bởi thế, việc dùng lại những cuốn sách giáo khoa cho học sinh lứa sau vẫn còn bỏ ngỏ.

Thực tế trên cho thấy, để thực hiện được những bộ sách giáo khoa sử dụng lâu dài và có thể "dành tặng cho các em học sinh lớp sau" thì trước tiên đội ngũ biên soạn sách giáo khoa, hội đồng thẩm định sách giáo khoa của chương trình mới và đặc biệt các nhà xuất bản phải thực sự vì học trò, vì phụ huynh, vì giáo dục.

Bởi vì, phụ huynh cũng có những người khá giả nhưng cũng có rất nhiều phụ huynh còn khó khăn, vất vả mưu sinh. Mỗi năm, sách giáo khoa, sách bài tập, sách bổ trợ lên đến gần cả triệu đồng thì nó thực sự trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh.

Quan trọng hơn, không ai muốn những người soạn sách “đẽo cày giữa đường”, đã vậy giá cả lại “trên trời” so với sách cũ. Nhưng cũng không thể thấy sai mà không sửa. Hãy lắng nghe ý kiến của đa số quốc dân đồng bào, nhiều người còn đề nghị bỏ luôn, chứ không chỉ là sửa sách, sửa giá!

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT về "sạn" trong sách giáo khoa

    11:00, 11/11/2021

  • Sản xuất, buôn bán hơn 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả 7 đối tượng trả giá

    16:09, 25/06/2021

  • Những virus có bộ gen "ngoài hành tinh" sẽ khiến sách giáo khoa sinh học phải được viết lại

    16:50, 12/05/2021

  • Bài học xương máu từ sự cố xã hội hóa sách giáo khoa

    14:30, 29/03/2021

  • Chờ một bộ Sách giáo khoa “sạch”

    04:00, 24/12/2020

  • Chuyện sách giáo khoa lớp 1: Sao cứ mãi "nhặt sạn”?

    05:25, 19/11/2020

  • Đôi lời về câu chuyện sách giáo khoa lớp 1 mới

    05:27, 13/10/2020

  • Chương trình sách giáo khoa lớp 1: Cần thêm thời gian để đánh giá...

    05:00, 05/10/2020

  • Nhu cầu sách giáo khoa, thiết bị giáo dục giảm nhẹ

    20:59, 23/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngậm ngùi giá sách giáo khoa mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO