Ngành chế biến tinh bột sắn: "Ngắc ngoải" vì quy hoạch

Bảo Loan 18/07/2019 11:25

Với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cây sắn đã được Bộ Công Thương đưa vào danh sách 10 cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ năm 2012.

Tuy nhiên, hiện ngành sắn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn từ sự mất cân đối giữa hoạt động chế biến và vùng nguyên liệu.

Đáng nói, Trung Quốc siết nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hoá nhập khẩu đã khiến ngành chế biến sắn gặp nhiều khó khăn. Điều kỳ lạ là, có những địa phương vẫn cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư mới trong ngành chế biến tinh bột sắn cho dù tình trạng nguyên liệu đầu vào thiếu trầm trọng.

br class=

Do thiếu nguyên liệu sản xuất, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Cao Bằng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Bất ổn vùng nguyên liệu

Hiệp hội Sắn cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu nguyên liệu cho chế biến bột sẵn là do phần lớn các nhà máy đều không đầu tư vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu mua từ nông dân, dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyết liệt, thậm chí tạo ra xung đột trong việc thu mua nguyên liệu, ảnh hưởng trực tiếp tới người trồng sắn cũng như đẩy chi phí lên cao, tác động đến yếu tố cạnh tranh quốc gia trong khu vực.

Tại tỉnh Cao Bằng, Công ty cổ phần Khánh Hạ (đầu tư Nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng) đã có công văn gửi lãnh đạo tỉnh Cao Bằng kêu cứu vào cuối năm 2018. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhà máy có công suất thiết kế sản xuất 480 tấn củ (sắn/ngày), tương đương khoảng gần 60 nghìn tấn củ cho bốn tháng sản xuất (trong thời gian thu hoạch sắn). Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2018, mỗi vụ sản xuất, nhà máy chỉ thu mua được gần 5.000-15.000 tấn sắn/vụ.
Ông Trần Phước Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam thừa nhận, việc các nhà máy cạnh tranh thu mua nguyên liệu ngay trên thị trường Campuchia đã đẩy chi phí sản xuất lên khá cao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chế biến phải chấp nhận để cố gắng duy trì hoạt động của nhà máy. “Cộng với chi phí sản xuất ngày càng tăng nên thời gian gần đây, doanh nghiệp chế biến sắn thường lãi rất ít hoặc chỉ hòa vốn” - ông Vinh chia sẻ.

Nhà máy vẫn “liều” ra đời

Bất chấp khó khăn từ vùng nguyên liệu, trong những tháng vừa qua, tỉnh Sơn La đã có chủ trương đầu tư cho nhà máy chế biến tinh bột sắn Thuận Châu -một quyết định gây nhiều tranh cãi ngay từ khi còn nằm trên giấy. Được biết, hiện tại tỉnh Sơn La đã có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn với công suất lên tới 800 tấn sản phẩm/ 24h. Bên cạnh đó còn 1 nhà máy mới được cấp phép chưa tiến hành triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, đầu năm 2019, Ủy ban tỉnh Sơn La lại tiếp tục cấp chủ trương đầu tư cho nhà máy thứ 4 trên địa bàn cũng với quy mô lên tới 400 tấn/ 24h.

Đại diện doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn tại tỉnh Sơn La vô cùng bất bình và lo lắng cho biết, “hai doanh nghiệp hiện có trên địa bàn đang thừa năng lực để tiêu thụ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, ngay cả việc nâng năng suất họ cũng sẵn sàng nhưng còn đang quan ngại về bức tranh chung ảm đạm của nguồn nguyên liệu. Thiết nghĩ, việc tỉnh cấp phép thêm nhà máy trên địa bàn hiện nay là thiếu hợp lý. Được biết, các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định và phát triển cũng không được tỉnh tham khảo ý kiến gì liên quan tới sự tồn tại, phát triển của mình khi cấp phép thêm cho doanh nghiệp mới. Có thể nhận thấy, việc cấp phép cho thêm một nhà máy với công suất 400 tấn/24h sẽ dẫn đến cạnh tranh về nguồn nguyên liệu. Thiếu nguyên liệu sẽ dẫn đến doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, khi đó dân trồng nguyên liệu ra bán cho ai. Thực tế việc thiếu nguyên liệu chế biến dẫn đến nhà máy đóng cửa đang diễn ra ngay tại các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Hòa Bình, Yên Bái”.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lê Hồng Minh, Phó chủ tịch tỉnh Sơn La đã thừa nhận, hiện nay nguyên liệu trên địa bàn tỉnh cung cấp cho các nhà máy hiện có cũng là chưa đủ. Ông Minh không lý giải được việc vì sao nguyên liệu cho các nhà máy sẵn có chưa đủ mà lại cấp chủ trương đầu tư cho nhà máy tiếp theo. Ông chỉ có thể giải thích bằng một lý luận khá khó chấp rằng, doanh nghiệp khi đầu tư cũng đã phải tính đến những yếu tố này và họ phải có sự chuẩn bị, tính toán để có lời giải cho bài toán đầu tư của mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Vùng nguyên liệu sữa giúp Vinamilk dẫn đầu thị trường sữa tươi

    Vùng nguyên liệu sữa giúp Vinamilk dẫn đầu thị trường sữa tươi

    20:49, 14/06/2019

  • Da giày lo nguồn nguyên liệu làm tuột cơ hội từ CPTPP, EVFTA

    Da giày lo nguồn nguyên liệu làm tuột cơ hội từ CPTPP, EVFTA

    10:22, 12/05/2019

  • Áp lực giá nguyên liệu tăng trên thị trường quốc tế khiến giá xăng tiếp tục

    Áp lực giá nguyên liệu tăng trên thị trường quốc tế khiến giá xăng tiếp tục "leo thang"

    15:06, 17/04/2019

Doanh nghiệp hiện phải đương đầu với rất nhiều khó khăn từ đầu vào nguyên liệu tới đầu ra xuất khẩu thành phẩm, câu chuyện đang phổ biến ở ngành chế biến tinh bột sắn, vì sao các địa phương vẫn đứng ngoài cuộc. Bên cạnh đó, một số địa phương trong đó có Sơn La vẫn “vô tư” cấp phép cho ra đời các nhà máy mới, liệu rằng chính quyền địa phương có đang quá thờ ơ, để mặc doanh nghiệp ngành chế biến tinh bột sắn “sống chết mặc bay”?

Còn bao nhiêu địa phương nữa đang thờ ơ với thực trạng nghiêm trọng này? Bất ổn sản xuất nông nghiệp, mất cân bằng sinh kế của người dân khi nào mới có câu trả lời thỏa đáng? Câu hỏi này xin gửi tới các cơ quan chức năng của nhà nước và các địa phương như Sơn La, Tây Ninh, Cao Bằng, Thanh Hóa và nhiều địa phương trên cả nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành chế biến tinh bột sắn: "Ngắc ngoải" vì quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO