Giai đoạn kinh tế thị trường, ngành cơ khí Việt Nam đã không còn định hướng mà bước vào thời kỳ tự phát.
Cty TNHH Thành Uy là một doanh nghiệp cơ khí tư nhân thuộc loại nhỏ ở Hải Phòng chuyên về đúc, gia công cơ khí và tráng phủ bề mặt. Không nổi đình đám trong giới cơ khí Hải Phòng thế nhưng đây là doanh nghiệp có thể đáp ứng được nhiều sản phẩm “hóc búa” đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.
Đơn vị này từng là vệ tinh cho Công ty cổ phần cơ khí chế tạo Hải Phòng trong sản xuất sản phẩm súng hơi xuất khẩu sang Mỹ. Đặc biệt gần đây, Thành Uy gần như độc quyền gia công xử lý bề mặt sản phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài hay các sản phẩm đặc biệt ứng dụng trong quốc phòng. Đã có lúc doanh nghiệp này phải từ chối đơn hàng vì không thể đáp ứng được tiến độ do quy mô sản xuất nhỏ.
Tuy không thiếu đầu ra nhưng nhiều năm nay Thành Uy vẫn cứ “lẹt đẹt”.
Ông Ngô Văn Thành, Giám đốc Công ty cho biết, ông không có vốn để mở rộng sản xuất, lợi nhuận từ tích lũy không thể đủ để có thể mở rộng sản xuất.
Không giống như Thành Uy, Công ty CP Cân Hải Phòng trước đây là 1 doanh nghiệp nhà nước. Dù chỉ tiêu thụ trong nước nhưng giai đoạn 1995 – 2005, Cân Hải Phòng nổi lên như hiện tượng trong ngành cơ khí ở Hải Phòng do nhu cầu thị trường tăng cao. Thế nhưng chỉ “bùng sáng” khoảng 10 năm, Cân Hải Phòng hiện đã sa sút và gặp nhiều khó khăn do công nghệ lạc hậu, thiếu vốn, sản phẩm không cạnh tranh nổi với sản phẩm nhập khẩu.
Chỉ nhìn vào 2 doanh nghiệp xuất thân khác nhau cho thấy, vốn chính là “cái khó bó cái khôn” của các doanh nghiệp cơ khí.
Ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Công nghiệp – Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã có chiến lược tái cơ cấu ngành cơ khí. Thế nhưng, cụ thể cơ chế, chính sách phát triển hỗ trợ thiết thực với các doanh nghiệp cơ khí như: hỗ trợ vốn vay, ưu đãi thuê đất đai, đào tạo nghề... vẫn chưa có. Hiện chính sách hỗ trợ phát triển ngành cơ khí mới chỉ thực hiện một phần rất nhỏ dựa trên nguồn quỹ khuyến công hàng năm. “Về cơ bản, các chính sách hỗ trợ vẫn là... trên giấy” - ông Hùng cho biết.