Phân tích - Bình luận

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu sẽ kéo đến Hoa Kỳ?

Trương Khắc Trà 02/04/2025 04:07

Chỉ khi các nhà sản xuất ô tô có thể tạo ra một chiếc xe hoàn toàn tại Hoa Kỳ mới có cơ hội tránh mức thuế 25%. Điều này gần như khó thực hiện, vì chi phí sản xuất cao.

Dịch chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ô tô không hề đơn giản (Ảnh SCMP)
Dịch chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ô tô không hề đơn giản (Ảnh SCMP)

Mức thuế 25% áp dụng với ô tô nhập khẩu là cách thức để ông Trump "vẽ lại" ngành công nghiệp này. Điều này buộc tất cả các nhà sản xuất phải chuyển đến Hoa Kỳ để tránh phát sinh chi phí, qua đó đem lại việc làm, thu nhập - nội hàm căn bản của “nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Các chuyên gia gọi đây là “thảm khốc” đối với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, bởi vì thuế không chỉ áp dụng với xe thành phẩm mà cả linh kiện rời, hoặc bất cứ thứ gì được sử dụng để lắp ráp thành 1 chiếc xe cụ thể.

Mức thuế của chính quyền Trump đối với ngành ô tô đã làm rõ một điều: Hoa Kỳ không còn là "ngọn hải đăng" của thương mại thị trường tự do nữa và các doanh nghiệp đang đối diện với thực tế chung sống với khó khăn hoặc dịch chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng.

Hoa Kỳ là thị trường xe hơi quan trọng nhất thế giới, không chỉ chiếm 1/4 doanh số mà còn là “lá phiếu đảm bảo” chất lượng, uy tín đối với mọi doanh nghiệp để được niêm yết, tiếp cận thị trường vốn sôi động bậc nhất.

Một số nhà sản xuất ô tô, bao gồm Hyundai và Kia của Hàn Quốc, đã công bố kế hoạch tăng sản lượng tại Hoa Kỳ. Nhưng phần lớn lại không muốn hoặc không thể di dời chuỗi cung ứng quá phức tạp.

Nghịch lý là nhiều hoạt động sản xuất chuyển ra khỏi Hoa Kỳ là để tận dụng giá thấp hơn và hàng hóa rẻ hơn. Đây là vấn đề nan giải nhất, do lương lao động trong ngành ô tô tại Hoa Kỳ thuộc nhóm cao nhất thế giới, thu nhập trung bình hàng năm khoảng 65.318 đô la Mỹ, tương đương 31,4 đô la Mỹ/giờ. Nhóm thu nhập cao nhất trong ngành này khoảng 110.000 đô la Mỹ/năm.

Mức lương này không chênh lệch nhiều so với châu Âu nhưng cao hơn châu Á rất nhiều, trung bình năm khoảng 27.000 đô la Mỹ - 36.000 đô la Mỹ. Đặc biệt so với Trung Quốc, mức lương cơ bản mỗi tháng khoảng 1.600 đô la Mỹ.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc là nhà sản xuất ô tô lớn trên toàn cầu, với lực lượng lao động dồi dào. Hầu như tất cả công ty lớn nhất đều đặt phần lớn chuỗi cung ứng tại quốc gia châu Á. Dĩ nhiên, họ không muốn rời đi.

Ngành công nghiệp ô tô đang duy trì 15 triệu việc làm tại châu Âu. Tại Đức công nghiệp ô tô là nền tảng của nền kinh tế, tạo ra doanh thu xuất khẩu trên 500 tỷ euro. Quan trọng hơn, đây là lực lượng dẫn đầu trong đổi mới của Đức, đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tự động hóa, số hóa...

Một chiếc Mercedes cơ bản bao gồm 30.000 linh kiện; nếu tính theo cụm có khoảng 1.800 bộ phận riêng biệt! (Ảnh internet)
Một chiếc Mercedes cơ bản bao gồm 30.000 linh kiện; nếu tính theo cụm có khoảng 1.800 bộ phận riêng biệt. (Ảnh internet)

Ilhan Geckil, chuyên gia kinh tế tại Anderson Economic Group (AEG) chỉ ra rằng: “Một chiếc xe trị giá 50.000 đô la Mỹ sẽ trở thành một chiếc xe trị giá 75.000 đến 80.000 đô la Mỹ trong vài năm, và mức tăng giá đó sẽ duy trì mãi mãi”.

Vấn đề nghiêm trọng hơn là chuỗi cung ứng, một chiếc Mercedes cơ bản bao gồm 30.000 linh kiện; nếu tính theo cụm có khoảng 1.800 bộ phận riêng biệt. Có tới 40.000 nhà cung cấp chính, rải rác từ châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.

Chưa kể hàng nghìn nhà cung cấp phụ. Đôi khi, một chuỗi cung ứng duy nhất cho một cụm bộ phận có tới bảy hoặc tám cấp phụ. Ở một giai đoạn, có thể có tới 20 nhà cung cấp phụ. Dịch chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng khổng lồ này về Hoa Kỳ là điều không thể.

Nhiều “đại gia” ô tô cảm thấy tính bất định của chính sách thuế quan từ ông Trump, sau khi thấy thuế quan của Canada và Mexico được công bố, rồi lại bị hoãn lại vài lần. Không rõ mức thuế nào là vĩnh viễn và mức thuế nào chỉ đơn giản là “chiến thuật đàm phán”. Trong khi đó, suất đầu tư nhà máy mới cần nhiều tỷ đô la Mỹ và nhiều thời gian.

CEO của Ford, Jim Farley cho rằng “hãy nghĩ về một kịch bản mà chúng ta chi hàng tỷ đô la Mỹ cho đầu tư, rồi sau đó kết thúc. Chúng ta không thể cứ liên tục thay đổi doanh nghiệp”.

Paul Jacobson, Giám đốc tài chính của General Motors, nói “nếu thuế trở thành vĩnh viễn, thì có rất nhiều thứ khác nhau mà bạn phải suy nghĩ về việc bạn phân bổ nhà máy ở đâu, bạn có di chuyển nhà máy hay không”.

Các nhà sản xuất ô tô cho biết rất khó để xây dựng các nhà máy dựa trên chính sách thuế quan của một chính quyền. Điều này phản ánh thực tế rằng, chính sách công ở Mỹ rất dễ biến mất hoàn toàn sau một nhiệm kỳ 4 năm ngắn ngủi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu sẽ kéo đến Hoa Kỳ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO