Thời gian qua, Sở Công Thương Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách hành chính, hỗ trợ và tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Ngay từ 01/1/2018 ban lãnh đạo Sở đã họp và phân công từng lãnh đạo phụ trách từng mảng công việc, chỉ định và giao nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành từng phòng ban chuyên môn, ban hành qui chế làm việc. Nhờ vậy, hoạt động của Sở Công Thương đã nhanh chóng đi vào nề nếp, ổn định, chấm dứt tình trạng chỉ đạo công việc chồng chéo như trước đây.
Chủ động song hành
Theo ông Trần Văn Hùng - Trưởng phòng Công nghiệp Sở Công Thương Hải Phòng: Thời gian qua ngành Công Thương đã chủ động nắm bắt tình hình, triển khai nhiều hoạt động phối hợp với các sở, ngành, nỗ lực quan tâm, ưu tiên các doanh nghiệp trong mọi chính sách. Các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hàng hóa được hỗ trợ về lãi suất cho vay. Các doanh nghiệp XNK cũng được hỗ trợ theo chương trình của Bộ Công Thương. Đối với các lĩnh vực tạo nhiều việc làm cho người lao động, thành phố cũng có cơ chế chính sách hỗ trợ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.
Đặc biệt, Sở Công Thương luôn đi đầu trong việc cải cách các thủ tục hành chính, nghiêm túc thực hiện cắt giảm thời gian để giải quyết sớm hẹn và thông thoáng nhất cho doanh nghiệp. Hồ sơ vào trong vòng 3 tiếng phải chuyển đến phòng chuyên môn xem còn thiếu thông tin gì thì phải thông báo để doanh nghiệp bổ sung sớm nhất, ví dụ như: Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu giảm từ 20 ngày xuống 15 ngày làm việc; Cấp Giấy phép hoạt động bán lẻ điện lực từ giảm từ 15 ngày xuống 12 ngày làm việc; Rà soát, tổng hợp và đề xuất lên UBND thành phố về giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Sở Công Thương luôn đi đầu trong việc cải cách các thủ tục hành chính, nghiêm túc thực hiện cắt giảm thời gian để giải quyết sớm hẹn và thông thoáng nhất cho doanh nghiệp.
Kinh tế Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2018 có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 16,03% (kế hoạch cả năm tăng 15% trở lên), cao nhất từ trước đến nay, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thành phố. Trong đó đáng kể nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 24,2% (kế hoạch cả năm tăng 22%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 3,91 tỷ USD, tăng 25,48% (kế hoạch cả năm tăng 22-23%).
Tạo cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp
Năm 2017 ngành Công Thương Hải Phòng đã chủ động xây dựng Kế hoạch Chương trình liên kết công nghiệp, thương mại giữa thành phố Hải Phòng với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong đó, tổ chức đoàn đưa các doanh nghiệp thực hiện liên kết vùng, kết nối giao thương tại vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước và đón đoàn các tỉnh, thành phố về giao thương tại Hải Phòng; phối hợp với các Sở Công Thương các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nam Định ... để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tổ chức tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản... tại trung tâm thương mại hội chợ triễn lãm thành phố.
Nhờ đó, các doanh nghiệp của Hải Phòng và các tỉnh bạn đã có nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi, thỏa thuận, ký kết các hợp đồng kinh tế và đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ trái cây, nông sản. Công tác tổ chức đưa hàng bình ổn giá về các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất được các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch từ đầu năm, đề xuất các địa điểm cho doanh nghiệp bán hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức phiên chợ Việt, bán hàng lưu động… góp phần bảo đảm an sinh xã hội và bình ổn giá trên địa bàn.
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, năm 2017 Sở trực tiếp khảo sát tại 40 doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt kết quả sản xuất, kinh doanh, những vướng mắc, khó khăn kiến nghị của doanh nghiệp với các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ và Thành phố; triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công địa phương, quốc gia năm 2018; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ, chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ, giải tỏa tụ điểm chợ cóc trên địa bàn thành phố, không để tụ điểm chợ cóc, chợ tạm tái họp hay phát sinh các tụ điểm mới;
Đồng thời, phối hợp quản lý, cấp phép các mặt hàng kinh doanh có điều kiện như gas, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh.
Với mục tiêu doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế ngành Công Thương đã luôn đổi mới đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, tăng cường việc ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trong giải quyết các thủ tục hành chính, kết hợp với các quy trình ISO; thường xuyên bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, theo dõi và đảm bảo cung ứng điện kịp thời, ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở tăng cường công tác quản lý thị trường, đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc nâng cao hiệu quả của các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tiết kiệm năng lượng và hội nhập kinh tế quốc tế.