Kinh tế

Ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự đa dạng hóa nguồn cung

Đình Đại 24/05/2025 03:30

Trong năm 2025 trở đi, ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự đa dạng hóa nguồn cung và mức thuế quan cao của Hoa Kỳ đối với hàng dệt may Trung Quốc

Theo Mirae Asset Research, trong 4 tháng đầu năm 2025, hai mảng chính của ngành dệt may Việt Nam có diễn biến trái chiều. Theo đó, sản phẩm dệt may có tốc độ tăng trưởng đáng kể về giá trị xuất khẩu, ở mức 12,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, vào tháng 4 khi Hoa Kỳ công bố mức thuế mới đối với các đối tác thương mại, sản phẩm dệt may đã có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình từ đầu năm, ở mức 17,7% so với cùng kỳ.

detmay.jpg

Về khía cạnh thị phần, tính đến cuối tháng 4, thị phần hàng may mặc của Việt Nam tại các thị trường chính tiếp tục duy trì ổn định: Hoa Kỳ (18,8%), Nhật Bản (18,7%), Hàn Quốc (30,4%). Nhìn chung, tại các thị trường chính, sản phẩm dệt may của Trung Quốc tiếp tục mất thị phần vào tay các đối thủ như Việt Nam và xu hướng này tăng tốc trong tháng 4/ 2025 khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ leo thang.

Hơn nữa, việc giảm thị phần của các sản phẩm Trung Quốc tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có thể là kết quả của việc tăng cường kiểm soát đối với các hoạt động lẩn tránh thuế của các công ty Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác thương mại.

Trong khi đó, xuất khẩu sợi giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm. Cụ Thể, giá trị xuất khẩu sợi sang Trung Quốc ước tính đạt 0,63 tỷ USD (-7.3%) và chiếm 45,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, xuất khẩu sợi sang Hàn Quốc cũng giảm 18,7% đạt 0,13 tỷ USD. Sự yếu đi trong xuất khẩu đã được bù đắp phần nào khi mảng dệt trong nước tiếp tục tăng trưởng với chỉ số IIP mảng dệt và chỉ số lao động tăng 10,5% và 6,9% so với cùng kỳ, cho thấy nhu cầu sợi trong nước tăng đang trưởng.

Đánh giá về triển vọng của ngành dệt may, Mirae Asset Research cho rằng, một cuộc họp “hiệu quả” là khởi đầu tích cực cho Việt Nam trong nỗ lực giảm thuế quan. Tuy nhiên, cần nhắc lại, mức thuế cơ sở 10% khó có thể thương lượng được và Việt Nam thực sự có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ (năm 2024: hơn 123 tỷ USD), khó có thể trung hòa trong thời gian ngắn.

detmay1.jpg

Mirae Asset Research nhận định, mức thuế quan tối đa sẽ cao hơn nhiều so với 10% và có thể có một số miễn trừ. Cũng sẽ có một số yêu cầu về nguồn gốc hàng hóa để hạn chế các hoạt động lẩn tránh thuế. Mặc dù mức thuế dự kiến ​​của Hoa Kỳ có thể cao, nhưng sự hỗ trợ chính cho ngành dệt may Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ hiện nằm ở lợi thế so sánh so với các đối thủ khác như, Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan…

Đơn vị này cũng cho rằng, khi khó khăn phát sinh ở thị trường Hoa Kỳ do thuế quan, sự cạnh tranh ở các thị trường trọng điểm khác chắc chắn sẽ tăng lên. Việt Nam đã ký kết nhiều FTA cho phép xuất khẩu hàng dệt may với mức thuế nhập khẩu thấp và do đó mang lại một số lợi thế so sánh. Cụ thể, trong số các đối thủ châu Á, Bangladesh và Pakistan vẫn chưa ký FTA với Nhật Bản và Hàn Quốc và hàng dệt may xuất khẩu của họ phải chịu thuế quan. Đối với thị trường EU, từ năm nay, thuế hải quan đối với các sản phẩm dệt may có xuất xứ từ Việt Nam nằm trong danh mục "B5" sẽ được xóa bỏ theo EVFTA.

“Trong quý II/2025, chúng tôi kỳ vọng các công ty sợi và may mặc Việt Nam sẽ hoạt động tốt khi các đơn hàng chuyển ra khỏi Trung Quốc và khách hàng cố gắng khai thác thời gian tạm dừng thuế quan 90 ngày. Các công ty may mặc sẽ được hưởng lợi đầu tiên và có khả năng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhờ các đơn hàng may mặc đang cấp bách. Trong khi đó, nhu cầu sợi trong nước sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định tương ứng với sự tăng trưởng của mảng dệt, phần nào bù đắp cho nhu cầu suy yếu tại thị trường Trung Quốc. Trong năm 2025 trở đi, chúng tôi tin rằng dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự đa dạng hóa nguồn cung và mức thuế quan cao của Hoa Kỳ đối với hàng dệt may Trung Quốc”, Mirae Asset Research nhận định.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng đánh giá, trong năm 2025, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn khi đang được thúc đẩy bởi các FTA. Ông khẳng định, đây là cơ hội lớn nhất cho ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Công thương đã có thông báo trong năm nay sẽ ký thêm một số FTA nữa, nâng tổng số FTA lên con số khoảng 22 FTA sẽ có hiệu lực trong năm 2025-2026.

“Đây sẽ là cơ hội lớn khi hàng loạt các FTA có thuế xuất bằng 0, tạo cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam phát triển chiến lược với 3 trụ cột chính là đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm”, ông Vũ Đức Giang đánh giá.

Cùng với đó, ngành dệt may Việt Nam đang có cơ hội thúc đẩy chiến lược phát triển công nghiệp robot hóa và AI trong phát triển ngành thời trang. Đặc biệt là quản trị số AI sẽ tạo nên động lực để thúc đẩy robot hóa ở một số lĩnh trong ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.

Liên quan đến chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, ông Giang đánh giá, ngành dệt may của Việt Nam cũng sẽ chịu những tác động nhất định. Tuy nhiên, ông cho rằng, mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn.

Chủ tịch Vitas cũng lưu ý một số vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm như khi có sự thay đổi quan hệ thương mại giữa các nước lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có sự tác động đến phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam.

Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là bài học để Việt Nam tìm ra nút thắt giải quyết chiến lược đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường mà nó có tính ảnh hưởng lớn đến toàn ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự đa dạng hóa nguồn cung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO