Đó là khuyến nghị của PwC trong Báo cáo cuộc Khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu năm 2019.
Các tổ chức dịch vụ tài chính nên làm gì để có được một bộ máy nhân sự cạnh tranh về chi phí mà không kìm hãm đổi mới, cản trở tăng trưởng hay giảm chất lượng dịch vụ khách hàng? Để trả lời cho câu hỏi cấp bách này, PwC gần đây đã đưa ra một báo cáo dựa trên cuộc Khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp toàn cầu năm 2019.
Theo đó, nếu như 10 năm trước, chỉ khoảng 50% lãnh đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính cho rằng tình trạng thiếu kĩ năng là mối đe dọa đối với triển vọng tăng trưởng của họ, thì hiện tại con số này đã là 76% - báo cáo Xu hướng Nhân tài ngành Dịch vụ Tài chính năm 2019 của PwC. Sự thiếu hụt những kỹ năng thiết yếu đang ảnh hưởng đến mọi hoạt động của các tổ chức dịch vụ tài chính, bao gồm chi phí nhân sự, khả năng đổi mới và trải nghiệm khách hàng.
Ngoài ra, ngành dịch vụ tài chính đang chứng kiến những thay đổi ngày càng nhanh chóng và mạnh mẽ. Các kỹ năng được tìm kiếm nhiều nhất cũng đã khác so với trước kia và kỳ vọng về nhân lực cũng đã trở nên khó đáp ứng hơn. Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại một cách cơ bản về chiến lược nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo, Lãnh đạo khối Dịch vụ Tài chính tại PwC Việt Nam nhận định: “Khi các chiến lược nhân lực truyền thống đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp những thay đổi mang tính đột phá, các doanh nghiệp nên tìm đến những cách tiếp cận khác. Một số cách tiếp cận chỉ gói gọn trong khuôn khổ từng doanh nghiệp; một số khác sẽ đòi hỏi sự nỗ lực hợp tác của cả ngành và thường cần đến hỗ trợ từ phía Chính phủ. Các cách tiếp cận nhìn chung đều hướng tới một tương lai nơi con người và công nghệ phối hợp cùng nhau một cách hiệu quả hơn.”
Các doanh nghiệp có thể làm gì để nhận diện và sở hữu các kỹ năng cần thiết giúp họ cạnh tranh tốt hơn? Các nhà nghiên cứu tại PwC đã đúc kết được 4 quy tắc để thu hút nhân tài trong ngành dịch vụ tài chính:
Một là, tạo ra nhận thức mới về mục đích hoạt động – Các tổ chức dịch vụ tài chính đã chịu nhiều áp lực từ các quy trình và quy định thay đổi trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, sự chuyển đổi kỹ thuật số cũng đã tạo nên một làn sóng đổi mới. Nếu doanh nghiệp vươn lên dẫn đầu làn sóng đổi mới và thành công trong môi trường đó, doanh nghiệp sẽ trở thành một nam châm thu hút nhân tài.
Hai là, cập nhật kế hoạch nguồn nhân lực – phân tích dữ liệu hiệu quả có thể mang lại cho các doanh nghiệp lợi thế lớn trong việc dự đoán nhu cầu về nhân tài trong tương lai và tạo ra một trải nghiệm hấp dẫn cho nhân viên. Các đầu việc ưu tiên bao gồm trang bị cho bộ phận nhân sự kỹ năng mô hình hóa dữ liệu, khả năng đọc dữ liệu và hiểu được ý nghĩa của dữ liệu đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Ba là, quản lý tác động thực sự của công nghệ – vẫn có những hiểu lầm về ảnh hưởng của công nghệ lên lực lượng lao động, rằng sẽ có những bộ phận trong doanh nghiệp sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi tự động hóa. Trên thực tế, công nghệ đang thay thế hoặc cải thiện một số phần trong các công việc vốn do con người đảm nhiệm. Các doanh nghiệp cần học cách sử dụng các công cụ kỹ thuật số một cách hiệu quả nhất và tận dụng tối đa thời gian được giải phóng nhờ các công cụ này.
Bốn là, hoạt động như một phần của hệ sinh thái rộng lớn – các hình thức như lao động thời vụ, lao động tự do hay các hình thức hợp tác, chia sẻ nguồn nhân lực sẽ cần được đặt làm trọng tâm, thay vì chỉ làm nền trong chiến lược lực lượng lao động. Việc chuyển sang sử dụng các nền tảng có sẵn nơi các sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhất được quy tụ, sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tiến tới hợp tác và thu hút nhân tài một cách linh hoạt hơn. Ưu tiên hàng đầu ở đây là cần tạo nên một mạng lưới các nhà cung cấp độc lập đáng tin cậy.