Kinh tế

Ngành FMCG sẽ đối diện với nhiều cơ hội và thách thức trong năm 2025?

Đình Đại 08/12/2024 03:20

Để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp ngành FMCG phải đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới, bền vững, thân thiện với môi trường…

fmcg.jpg
Năm 2025, các doanh nghiệp không chỉ cần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện tại mà còn phải tiên phong trong việc phát triển các xu hướng mới - Ảnh minh họa.

Trong cuộc khảo sát tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương được thực hiện bởi PWC - PricewaterhouseCoopers Vietnam, có khoảng 63% người tiêu dùng vẫn lo ngại về lạm phát. Tuy nhiên, khi bỏ qua lạm phát, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có xu hướng tăng chi tiêu, đặc biệt trong dịp Tết.

Cuộc khảo sát khoảng 7.000 người tiêu dùng, trong đó có 515 người tiêu dùng Việt Nam cho thấy: 63% người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng tăng chi tiêu đối với hàng hóa thiết yếu, 52% tăng chi tiêu đối với quần áo, và 48% người được khảo sát lựa chọn tăng chi tiêu đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Trong Khảo sát về những xu hướng mới có thể dẫn đầu tăng trưởng thị trường bán lẻ năm 2025 của Công ty NielsenIQ (NIQ) mới đây cũng chỉ ra rằng, cảm nhận của người tiêu dùng về tình hình kinh tế đã dần cải thiện theo thời gian, khi có 45% người đồng ý với quan điểm “Việt Nam đang không rơi vào giai đoạn suy thoái kinh tế ở thời điểm này”, trong đó, TPHCM là 43%, tăng 10% so với năm ngoái; Hà Nội là 50%, tăng 10% so với năm ngoái.

Phần lớn người tiêu dùng thấy lạc quan về khả năng chi tiêu của mình, khi có 57% người cho rằng họ sống thoải mái và có thể chi tiêu một số thứ nếu muốn; 33% người cho rằng họ chỉ đủ tiền chi tiêu cho thực phẩm và đồ dùng thiết yếu; 9% cho rằng họ có thể chi tiêu thoải mái.

Báo cáo cũng cho thấy, mặc dù tỷ lệ việc làm toàn cầu ổn định, một số ngành nghề có thu nhập cao đang gặp khó khăn, dẫn đến tâm lý tiêu dùng khác nhau về việc tìm kiếm thêm thu nhập, thừa kế tài sản và vay nợ.

"Những người đã trải qua việc mất đi nguồn thu nhập nhưng giờ đây cảm thấy tình hình tài chính đã ổn định lại sẽ có xu hướng tìm kiếm thêm nguồn thu nhập ngoài công việc chính. Họ là những người năng động, có động lực vượt qua khó khăn và có thể cởi mở với sự thay đổi trong thói quen mua sắm hàng ngày", NIQ nhấn mạnh.

Nhận định về các xu hướng chính chính của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2025, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) chỉ ra 03 xu hướng chính:

Thứ nhất, ưu tiên đối với hàng thiết yếu và sản phẩm chăm sóc sức khỏe: Người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ưu tiên đối với các sản phẩm thiết yếu và chăm sóc sức khỏe. Ngoài hàng thiết yếu và quần áo, chăm sóc sức khỏe cũng thuộc một trong những top ưu tiên của người tiêu dùng Việt Nam. Đây là một cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe để xây dựng chiến lược sản phẩm phù hợp.

tieudung.jpg

Thứ hai, tăng đầu tư vào các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường: Bền vững không chỉ là xu hướng toàn cầu mà đang là một trong những tiêu chí lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam.

Báo cáo của PwC tiết lộ rằng 94% người tiêu dùng Việt Nam trả lời rằng họ đã trải qua những tác động không tích cực của biến đổi khí hậu trong cuộc sống hàng ngày của họ và nhận thức đối với môi trường ngày càng tăng. Đặc biệt, 74% người tiêu dùng sẵn sàng trả mức phí cao hơn 20% cho những sản phẩm tái chế, và 85% người được khảo sát trả lời sẵn sàng mua các sản phẩm bằng điện hoặc hybrid trong 3 năm tới. Điều này cho thấy rằng bền vững không chỉ là xu hướng tạm thời mà còn là nhân tố quan trọng đối với doanh nghiệp để xây dựng lòng trung thành và niềm tin từ khách hàng.

Thứ ba, đặc biệt chú ý tới các thương hiệu uy tín: Người tiêu dùng Việt Nam hiện đại không chỉ tìm kiếm các sản phẩm phù hợp mà còn quan tâm tới các sản phẩm có thương hiệu uy tín. Họ sẵn sàng trung thành với các nhãn hàng có giá trị bền vững, mang lại trải nghiệm đa kênh và đáp ứng được thị hiếu khách hàng. Kinh doanh cần tận dụng những cơ hội này để tạo kết nối vững chắc với khách hàng.

TPS cho rằng, ngành hàng FMCG bắt đầu phục hồi từ quý II/2024 nhờ vào sự gia tăng sản lượng tiêu thụ. Các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tăng nhẹ, một số các ngành hàng chăm sóc cá nhân, chăm sóc nhà cửa suy giảm trong khi các ngành hàng không thiết yếu như bia, thuốc lá ghi nhận tăng trưởng dương.

“Bước sang năm 2025, ngành FMCG Việt Nam sẽ đối diện với nhiều cơ hội và thách thức. Để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp ngành FMCG phải đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới, bền vững, thân thiện với môi trường và có tiện ích cao hơn. Đồng thời, các chiến lược marketing cần gắn liền với trải nghiệm khách hàng và tận dụng bán hàng đa kênh”, TPS đánh giá.

Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam cũng cho rằng, đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành hàng tiêu dùng ở Việt Nam đến từ cả các thương hiệu lâu đời cũng như mới nổi, cả nội địa và nước ngoài.

Theo bà Phương Nga, sự cạnh tranh khốc liệt này đến từ khắp nơi. Ngày càng có nhiều hơn những thương hiệu, sản phẩm có mặt trên thị trường thu hút người tiêu dùng. Sự tăng trưởng về số lượng sản phẩm có mặt trên thị trường đến từ các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, hoặc doanh nghiệp mới thành lập, hay các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam qua con đường chính thống và tiểu ngạch.

“Đây là yếu tố làm cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, và khi họ có nhiều sự lựa chọn thì chắc chắn rằng người tiêu dùng có thể thay đổi thương hiệu mà họ đang sử dụng sang một thương hiệu khác, có thể là vì bao bì đẹp hơn, giá tốt hơn...", bà Nguyễn Phương Nga chia sẻ.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 ước đạt 4.487,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,9%; may mặc tăng 8,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 5,6%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành FMCG sẽ đối diện với nhiều cơ hội và thách thức trong năm 2025?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO