Đó là lưu ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị “phát triển ngành hàng cá tra năm 2019” diễn ra vào ngày 18/2 tại tỉnh An Giang.
Theo Bộ trưởng Cường: “Năm 2018 ngành hàng cá tra đã đánh dấu một năm thành công rực rỡ: Chúng ta đã vượt qua tiêu chuẩn, quy chuẩn và cả thể thức của nhiều thị trường khó tính. Các doanh nghiệp hạt nhân không chỉ chớp thời cơ mà còn ghi dấu ấn các dự án mới, quy mô lớn phát triển ngành hàng này như Tập đoàn Sao Mai, Việt Úc, Vĩnh Hoàn….
Thành công trên bắt nguồn từ sự kế thừa tích lủy, trả giá trong 20 năm qua, sự vào cuộc của 3 khu vực: Nhà nước, doanh nghiệp, người nuôi. Chưa có ngành hàng nào nhận được sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ như ngành hàng cá tra.”
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cũng lưu ý, bên cạnh thuận lợi nền tảng của 2018 thì năm 2019 được dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm. Sau 3 năm liên tục tăng trưởng cao nguy cơ cao về dịch bệnh tiềm ẩn khi phát triển quá nóng, việc ồ ạt mở rộng vùng nuôi không kiểm soát được sẽ làm cho tình trạng khan hiếm con giống tốt trầm trọng hơn, khủng hoảng dư thừa thì vàng còn mất giá chứ nói chi cá tra.
Với định hướng đó, năm 2019 Bộ NN&PTNT xác định mục tiêu chủ yếu cho ngành hàng này là củng cố thành quả với sản lượng kỳ vọng tăng 6,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với năm 2018, nằm ở khoảng 2,4 tỷ USD.
Giải pháp thực hiện đạt mục tiêu trên đòi hỏi phải đẩy mạnh liên kết chặt chẻ trên các công đoạn. Đặc biệt là hiện tại còn đến 20% hộ nuôi riêng lẻ chưa vào chuỗi liên kết, tiềm ẩn rủi ro rất cao khi có biến động về thị trường. Trong thời gian tới chính quyền địa phương cần xác định địa chỉ 20% hộ nuôi nhỏ lẻ đưa vào liên kết vì đi một mình thì khó về đích. Đồng thời cũng phải kiểm soát quy hoạch không để bùng phát diện tích nuôi ngoài quy hoạch. Tận dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, chế biến. Giống là khâu quyết định trong chuỗi và là tiền đề để phát triển bền vững, nên cần tập trung vào chương trình giống 3 cấp…
Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng để chính quyền địa phương định hướng và quản lý sản xuất hiệu quả theo tín hiệu thị trường thì cần có một cơ sở dữ liệu minh bạch kịp thời chứ không thể dựa vào số liệu ảo chung chung, có khi dối nhau như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cũng băn khoăn hiện nay 3 khâu cốt yếu của ngành hàng cá tra là chất lượng sản phẩm, chất lượng, số lượng con giống và tổ chức quản lý vùng nuôi ở đâu đó vẫn còn chưa được kiểm soát tốt.
Dưới gốc độ doanh nghiệp hạt nhân trong ngành hàng này, ông Trương Vĩnh Thành - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai kiến nghị: “Chính Phủ, Bộ NN&PTNT cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ, tiếp nhận và làm chủ công nghệ cao trong chuỗi sản xuất cá tra nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo ra nhiều sản phẩm mới có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức các chương trình xúc tiến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nhất là các sản phẩm mới, giảm mức thuế VAT từ 10% hiện nay xuống còn 5% cho những sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra nhằm giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, thu hút doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu sản xuất hàng giá trị gia tăng cho ngành hàng này”.
Theo báo cáo của Vụ nuôi trồng Thủy sản- Bộ NN&PTNT: năm 2018, diện tích nuôi cá tra đạt 5.400 ha (tăng 3,25% so với năm 2017), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn (tăng 13,6% so với năm 2017). Giá cá giống, giá cá nguyên liệu, giá xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao. Người sản xuất, ương dưỡng giống, nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra đều có lãi. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2017.