Ngành nông nghiệp hoàn toàn thụ động trước cơn khủng hoảng thịt lợn!

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú 23/12/2019 03:24

Công luận cũng như một số chuyên gia đã nói về việc “vỡ trận” thịt lợn trong những tháng cuối năm 2019.

Việc tăng giá thịt lợn liên tục với biên độ lớn xảy ra trong thời điểm mà Tết Canh Tý 2020 chỉ còn hơn 1 tháng nữa. Khó khăn lớn nhất của bình ổn giá chính là nguồn cung thịt lợn trong nước bị thiếu hụt do dịch bệnh thì ai cũng đã rõ.

vấn đề bình ổn giá thịt lợn ở Việt Nam đã không đạt được những kết quả như mong muốn.

Bình ổn giá thịt lợn đã không đạt được những kết quả như mong muốn.

Mặt khác, một số nơi hết dịch nhưng vẫn “rụt rè” tái đàn, thịt nhập khẩu cũng chỉ có hạn và thói quen tiêu dùng của người dân cũng chưa mặn mà... Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là vai trò của cơ quan chức năng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn nhiều vấn đề phải phân tích thấu đáo để rút ra những bài học cần thiết cho những thời kỳ phục vụ tiếp theo, trước hết cho Tết 2020 và những năm sau.

Có thể bạn quan tâm

  • Có hay không việc “găm hàng” để tăng giá thịt lợn?

    Có hay không việc “găm hàng” để tăng giá thịt lợn?

    11:00, 17/12/2019

  • Giá thịt lợn kéo CPI Hà Nội tăng

    Giá thịt lợn kéo CPI Hà Nội tăng

    11:15, 28/11/2019

  • Cổ phiếu chăn nuôi nào hưởng lợi từ giá thịt lợn tăng mạnh?

    Cổ phiếu chăn nuôi nào hưởng lợi từ giá thịt lợn tăng mạnh?

    04:00, 26/11/2019

  • Ổn định giá thịt lợn từ nay đến cuối năm

    Ổn định giá thịt lợn từ nay đến cuối năm

    01:00, 16/10/2019

Trước tình hình giá cả thịt lợn có những diễn biến bất lợi cho giá cả và thị trường tiêu dùng, Chính phủ đã có công văn phê bình Bộ Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn khi để xảy ra tình hình như trên. Sau khi có công văn của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 3 ngày đã có 5 văn bản gửi các bộ ngành địa phương – doanh nghiệp đề nghị phối hợp để bình ổn giá thịt lợn trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều văn bản nhưng giá thịt lợn vẫn leo thang từng ngày. Một số địa phương trong nước, từ  ngày 18/12 – 22/12/2019, giá cả đã chạm ngưỡng 95.000đ – 100.000đ/kg hơi, giá thịt bán lẻ ở thị trường loại ngon nhất đã lên đến 230.000 – 250.000đ/kg. Như vậy giá cả lợn hơi đến nay đã tăng hơn 50% so với trước khi có dịch bùng phát ở Việt Nam.

Trong hội nghị tuần trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nêu tình hình: “Giá thịt lợn hiện nay nước nào cũng tăng cả”. Điều đó là chính xác nhưng chưa thật đầy đủ, bởi nếu chúng ta để tình trạng kéo dài giá cả thịt lợn vẫn tiếp tục tăng lên nữa cho đến Tết và sau Tết thì quả là không ổn.

Giá lợn tăng nhanh, tác động đến túi tiền của người tiêu dùng, khó khăn trong kinh doanh thịt lợn mà còn kéo theo việc tăng giá của hàng loạt các hàng hóa dịch vụ khác như thịt gà, thịt bò, cá tươi, trứng, bún bánh phở… đã tăng giá từ 5-10% so với trước.

Một sự tăng giá dây chuyền không có lợi cho công tác bình ổn giá của nhà nước và những biến động không có lợi của chỉ số CPI năm 2019 và cả năm 2020 nếu không được khắc phục một cách cơ bản. Chúng ta đều biết, dịch lợn đã xuất hiện sớm từ tháng 2/2019 đến nay, số lượng lợn tiêu hủy hàng triệu con, số địa phương bị dịch lan sang hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.

Nhưng trong những tháng qua, không có những đề xuất một cách cụ thể để bù đắp lượng thịt lợn bị tiêu hủy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vấn đề nhập khẩu lợn cũng vậy, đến nay chúng ta vẫn đang loay hoay xem nhập khẩu bao nhiêu, đánh thuế thế nào, và doanh nghiệp nào đủ điều kiện nhập thịt lợn.

So sánh thì luôn luôn khập khiễng, nhưng những bài học về bình ổn giá thịt lợn ở Trung quốc cho ta thấy họ đã chủ động và tổ chức thực hiện mạnh mẽ hơn. Trung Quốc đã chủ động dự trữ hàng trăm nghìn tấn thịt lợn lạnh, mua dự trữ trong cộng đồng một số lượng lợn sống nhất định. Khi có biến động về giá, họ đã chủ động xuất kho thịt lợn lạnh ra để bán, góp phần bình ổn thị trường tiêu dùng.

Qua những tình hình nêu ở trên cho chúng ta thấy, vấn đề bình ổn giá thịt lợn ở Việt Nam đã không đạt được những kết quả như mong muốn. Bình ổn giá là phải chủ động dự trữ, nắm lực lượng hàng hóa từ khi chưa có dịch xảy ra chứ không phải bình ổn giá chủ yếu bằng những công văn giấy tờ mà không tổ chức thực hiện một cách kiên quyết, mạnh mẽ và hiệu quả.

Thực tế, công tác bình ổn giá thịt lợn trong những tháng cuối năm 2019 cho chúng ta thấy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển  nông thôn cần phải rút ra những bài học sâu sắc trong công tác này, nhằm giải quyết tốt những biến động về giá cả thịt lợn và giá cả những mặt hàng thiết yếu ở thị trường Việt Nam trong những thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành nông nghiệp hoàn toàn thụ động trước cơn khủng hoảng thịt lợn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO